Viên phấn đặc biệt, thân thiện với môi trường

13/06/2018 08:40

(TN&MT) - Em Đặng Như Kim Ngân (trường THPT Hai Bà Trưng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tạo ra một viên phấn đặc biệt thân thiện với môi trường, thông qua đề tài “Nghiên cứu bổ sung hoạt tính từ cho phấn viết”...

Phấn từ của các bạn học sinh được thu hồi tối đa lượng bụi...
Phấn từ của các bạn học sinh được thu hồi tối đa lượng bụi...

Theo Kim Ngân, phấn viết đã được sử dụng phổ biến trong xã hội từ lâu. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm rất lớn là hầu hết bụi thải ra môi trường. Hiện nay, trên thị trường có các loại phấn chống bụi, nhưng nó chỉ đảm bảo sức khỏe người dùng chứ không hề đảm bảo được tính bền vững của môi trường...

“Em nghĩ rằng cần phải thêm nhân cho phấn viết là hạt từ để khi viết có thể kết hợp với phấn chống bụi hiện nay và dùng tấm lau từ để thu hồi bụi phấn và tái sản xuất. Qua đó, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, đảm bảo tính bền vững của môi trường, tiết kiệm về mặt kinh tế... Vì thế em đã nghiên cứu đề tài trên”- Ngân nói.

Nhờ sự hướng dẫn của cô Dương Vân Anh, Ngân đã mất gần 3 tháng để lên ý tưởng, nghiên cứu và thử nghiệm.

Đầu tiên, Ngân nghiên cứu về các nguyên liệu phấn viết và quy trình sản xuất hiện nay. Sau đó nghiên cứu xem loại bột từ nào phù hợp. Tiếp đến làm thử nghiệm phấn để so sánh với phấn thông thường và đem đi kiểm chứng.

Theo Ngân, em đã thêm hoạt tính từ cho phấn viết bằng cách thêm nhân cho hạt phấn viết là hạt có tính từ cao. Sau đó, dùng tấm lau bảng từ (được tận dụng từ nhựa và nam châm vĩnh cửu - PV) để thu hồi khi lau bảng. Hầu hết các hạt phấn từ (có nhân là hạt sắt và hạt ô- xít sắt từ) đều bị hút và có khả năng nhiễm từ để hút tiếp các hạt khác tạo thành một khối bền vững.

Qua quá trình kiểm chứng tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, khi lau bảng, phấn chống bụi thông thường có lượng bụi phấn thải ra không khí nhiều hơn phấn từ 4,2 lần. Còn lượng bụi phấn thải ra không khí khi lau bảng của phấn từ rất thấp, chỉ chiếm 7% so với tiêu chuẩn cho phép của môi trường.

Cũng theo Ngân, phấn từ của em vừa thừa hưởng được đặc tính của phấn không bụi vì chỉ thêm nhân vào cho phấn nên không hề ảnh hưởng đến chất lượng của phấn. Ngoài ra, hiệu quả chống bụi của phấn từ cao hơn vì có thể chống bụi khi lau bảng và thu hồi tái sản xuất. “Lúc đầu, em tận dụng sẵn bột mực in có trong nhà để làm. Nhưng do bột này rất độc và giá thành cao nên em nghĩ đến việc dùng bột sắt. Tuy nhiên, sắt rất khó bảo quản nên em đã thất bại rất nhiều lần...”, Ngân tâm sự về những khó khăn.

“Đề tài nghiên cứu này tạo ra được loại phấn mới, có khả năng chống bụi rất cao và có thể thu hồi bụi phấn gần như hoàn toàn (phấn từ thu hồi bụi phấn trên 95% so với phấn chống bụi thông thường), màu sắc không thay đổi nhiều khi viết lên bảng. Đặc tính mà phấn viết hiện nay chưa có chính là hoạt tính từ, kết hợp với giải pháp thu hồi tối ưu (dùng lực từ của tấm lau bảng từ) giúp cho việc lau bảng có thể thu hồi hầu hết bụi phấn”- Ngân chia sẻ thêm.

Cô Trần Thị Kim Oanh- Phó Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: “Ngân học giỏi và đam mê nghiên cứu khoa học. Em đã nghĩ ra ý tưởng lấy bột sắt kết hợp với tấm lau bảng từ để thu hồi phấn mà không gây ảnh hưởng đến bảng. Việc dùng phấn từ này giúp đảm bảo sức khỏe cho thầy trò, bảo vệ môi trường. Đề tài có khả năng nhân rộng cho các trường sử dụng...”.

Được biết, đề tài của Ngân đã được giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

“Sắp tới em sẽ nghiên cứu thêm nhân phấn bằng bột Niken, nghiên cứu về các loại bột từ và chọn ra loại tối ưu nhất, qua đó giúp đề tài hoàn thiện hơn...”, Ngân bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viên phấn đặc biệt, thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO