VICEM: “Chủ động - linh hoạt - tối ưu hiệu quả”
Quan điểm chỉ đạo điều hành của VICEM đối với các đơn vị thành viên trong bối cảnh khi nguồn cung xi măng vượt xa cầu và thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi đó là “Chủ động - linh hoạt - tối ưu hiệu quả”.
Cung vượt xa cầu - ngành xi măng khó càng thêm khó
Từ Quý III/2022 đến nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án chậm triển khai, đầu tư công chậm giải ngân… khiến doanh nghiệp sản xuất xi măng đang phải gánh chịu áp lực về tiêu thụ khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Đức Lưu – Phó Tổng giám đốc VICEM cho biết, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu. Năm 2023, nguồn cung xi măng dự báo khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ từ 68,0 - 68,5 triệu tấn dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Cũng theo ông Lưu, giai đoạn trước Covid-19, ngành xi măng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ xuất khẩu xi măng, clinker sang thị trường Trung Quốc, Philippines và các nước trong khu vực nhưng từ cuối năm 2022 việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần như đứng lại. Và khó khăn hơn khi Philippines điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam nên các doanh nghiệp xi măng chịu ảnh hưởng lớn tới thị trường xuất khẩu xi măng, clinker.
Đối với thị trường nội địa, mặc dù Chính phủ đưa ra rất nhiều các giải pháp, các chính sách để khôi phục, phục hồi thị trường bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng, giải ngân, đầu tư công… nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu khả quan vì thế nhu cầu xi măng tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.
Không chỉ gặp khó về tiêu thụ, ngành xi măng còn gặp bất lợi về chi phí đầu vào. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, tác động đến giao thương của nhiều quốc gia làm chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, kéo theo đó là sự gia tăng của các chi phí về logistics, rồi tiếp đến là giá điện… khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng lao đao trong thời gian vừa qua.
Trước tình hình giá đầu vào tăng, từ năm 2022, VICEM buộc phải tăng giá bán tới 3 lần. Tuy nhiên, các đơn vị thành viên của VICEM vẫn phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ sản lượng và thị phần do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm, cạnh tranh trên thị trường lớn, giá xuất khẩu xi măng và clinker không tăng. Nên việc tăng giá chưa đủ bù đắp ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào. Dẫn đến, trong 5 tháng đầu năm 2023 các chỉ tiêu kinh tế của VICEM chỉ đạt 33-34% so với kế hoạch của năm 2023. Cụ thể, Tiêu thụ sản phẩm chính đạt 9.683 triệu tấn, đạt 33,7% so với kế hoạch, trong đó, tiêu thụ xi măng đạt 8.940 triệu tấn, đạt 34.6% so với kế hoạch, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ clinker đạt 743 triệu tấn, đạt 26% so với kế hoạch, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách đạt 34,6% so với kế hoạch.
Không tiêu thụ sản phẩm với giá bán thấp hơn biến phí
Nhận diện các khó khăn, thách thức và nhiều biến động khó lường, với triết lý điều hành kinh doanh “Chủ động - linh hoạt - tối ưu hiệu quả”, Ban lãnh đạo VICEM đã phân tích kỹ bức tranh ngành xi măng trong thời gian tới, từ đó tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đó là khi nguồn cung than trong sản xuất bị thiếu, các đơn vị của VICEM đã nghiên cứu sử dụng than thấp cấp để đốt lò tuy có ảnh hưởng đến năng xuất và tiêu hao nhiệt của lò song đã duy trì liên tục của các lò nung clinker nên không phải dựng lò. Đồng thời, thực hiện chương trình đốt rác thải, bùn thải, tro, xỉ làm nhiên, nguyên liệu thay thế, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên để ổn định sản xuất, duy trì giá thành sản phẩm.
Điểm nổi bật của VICEM đã và đang tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải tiến công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất tương ứng với cơ cấu, chủng loại than sử dụng, tối ưu vận hành, tồn kho clinker để hạn chế tới mức thấp nhất clinker đổ ra bãi. Cụ thể như tại VICEM Hoàng Thạch, đơn vị này sở hữu 3 dây chuyền sản xuất, hiện dây chuyền số 1 đã dừng vận hành, tập trung sản xuất tối ưu và hiệu quả đối với 2 dây chuyền còn lại nhằm tiết giảm chi phí trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu tăng cao.
Nhấn mạnh về việc kiểm soát và hạn chế tới mức thấp nhất clinker đổ ra bãi. Lãnh đạo VICEM chỉ đạo, trong trường hợp phải đổ clinker ra bãi, yêu cầu các đơn vị thành viên phải có phương án bảo quản nhằm hạn chế suy giảm chất lượng clinker, đồng thời có phương án khẩn trương xử lý lượng clinker tồn bãi trong thời gian nhanh nhất.
Để giải bài toán tiêu thụ, VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến tình hình thị trường tiêu thụ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào để có các giải pháp xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, trên từng địa bàn phù hợp với thực tế thị trường nhằm gia tăng sản lượng, giữ vững thị phần tiêu thụ xi măng trong nước; Tuyệt đối nghiêm cấm tiêu thụ sản phẩm với giá bán (chưa bao gồm thuế GTGT) thấp hơn biến phí.
VICEM yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm kỷ cương trong phối hợp thị trường về địa bàn, giá bán để tăng sức mạnh trong cạnh tranh và tận dụng lợi thế, quy mô của Nhóm công ty mẹ - công ty con trong VICEM.
Đáng nói là khi cạnh tranh trong ngành xi măng ngày càng trở nên khắc nghiệt, các đơn vị của VICEM đã tích cực nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm xi măng đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi quy trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Điển hình có thể kể đến những nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm của VICEM Hà Tiên, luôn nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất ra các dòng sản phẩm khác nhau, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của thị trường. Mới đây nhất, 13 sản phẩm của Công ty đã được Hội đồng công trình xanh Singapore (SGBC) chứng nhận sản phẩm “Nhãn xanh”, đáp ứng những tiêu chuẩn về công trình xanh trên thế giới.
Với triết lý điều hành “Chủ động - linh hoạt - tối ưu hiệu quả” của Ban lãnh đạo VICEM, với sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, giải pháp linh hoạt trước áp lực thị trường, trước những tình huống bất lợi nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động của các đơn vị thành viên như một khẳng định rằng VICEM và các đơn vị thành viên sẽ vững vàng vượt qua thử thách, sóng gió hiện nay.