Vì sao khó mua nhà ở xã hội?

Thục Vy| 21/01/2021 09:43

(TN&MT) - Nhà ở xã hội (NƠXH) được xem là cứu cánh cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại các đô thị để có nơi “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng trên thực tế cho thấy, việc mua được NƠXH của các đối tượng này tại các đô thị lớn như tại TP.HCM lại rất nhiêu khê, thậm chí là rất khó.

Rất khó tiếp cận

Chị Thanh Bình là công nhân sinh sống và làm việc tại quận 12, TP.HCM, với đồng lương của mình, chị Bình tạm có thể lo cho cuộc sống của gia đình và trả tiền thuê nhà trọ. Qua tìm hiểu thông tin, chị Bình được biết bản thân đủ điều kiện để đăng ký mua NƠXH. Chị đã nhiều lần nộp đơn xin suất mua căn hộ NƠXH, nhưng cho đến nay vẫn chưa được. “Giấc mơ có căn nhà nhỏ để an cư đối với gia đình tôi sao mà khó quá. Có lẽ do số lượng nhà giá rẻ, NƠXH thì ít mà lượng người có nhu cầu mua thì quá nhiều. Cứ mỗi lần nộp đơn xin mua NƠXH tôi cứ ngỡ như đang chơi xổ số, nhưng thần may mắn vẫn chưa mỉm cười với gia đình tôi”, chị Bình chia sẻ.

Còn chị Lý, giáo viên mầm non cùng chồng và hai con nhỏ thuê căn nhà nhỏ tại quận Gò Vấp cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vào năm 2015, sau khi nghe tin có dự án NƠXH tại phường An Lạc, quận Bình Tân mở bán, chị tìm hiểu để hoàn thành thủ tục phải có: Giấy xác nhận chưa có nhà ở tại phường, xác nhận đối tượng ở cơ quan, xác định thu nhập… Thế nhưng, mất cả tháng trời làm hồ sơ, chị Lý vẫn không xin được Giấy xác nhận chưa có nhà ở phường chị tạm trú. Cho đến nay, những người mua được NƠXH này đã dọn vào ở và chuẩn bị đón cái Tết Nguyên đán thứ hai, còn gia đình chị Lý vẫn còn ở thuê và loay hoay tìm mua NƠXH.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM vừa hoàn thành phần thô 3 dự án NƠXH với quy mô 2.213 căn hộ. Hiện tại, có 5 dự án đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn hộ. Song, đây cũng chỉ là những dự án cũ kéo dài từ nhiều năm trước, còn trong năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nên làm sụt giảm cả nguồn cung về nhà ở giá rẻ, NƠXH.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án. Tuy nhiên, trong đó cũng chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỉ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ghi nhận trong năm 2020, căn hộ hạng C (giá thấp) vẫn tiếp tục khan hiếm, thậm chí không có. Nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở từ 25 triệu đồng/m2 trở lên hiện chỉ chiếm 20% - 30%. Còn nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân chiếm đến 70% - 80% thị trường, nhưng vẫn thiếu nguồn cung trầm trọng.

Nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như TP.HCM hiện vẫn rất lớn. Ảnh: MH

Tháo gỡ nút thắt

Luật sư Đào Xuân Sơn - Công ty Luật TNHH INVESTPUSH (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, khi chủ đầu tư khởi công dự án NƠXH phải cung cấp thông tin dự án như thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký, để công khai tại Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng và đăng trên tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương. Trước khi nhận hồ sơ đăng ký NƠXH, chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Thông tin về nhận hồ sơ được công bố công khai tại trang thông tin của Sở Xây dựng tối thiểu 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ.

Tuy vậy, trên thực tế, những thông tin này vẫn khó tiếp cận đến một số nhóm đối tượng trong 10 đối tượng được mua NƠXH theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014. Chẳng hạn như nhóm người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (Đối tượng 4); người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (Đối tượng 5); hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở (Đối tượng 10). Bởi những nhóm đối tượng này có đặc điểm có thể tiếp xúc hoặc hiểu về chính sách nhà ở không thuận lợi như các nhóm đối tượng khác để nắm bắt được thông tin, không hiểu đầy đủ để tham gia…

Để tháo gỡ nút thắt mang tên nhà ở cho người thu nhập thấp, theo các chuyên gia bất động sản thì rất cần sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Theo đó, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan Ban, ngành cần quyết liệt hơn trong cải cách các thủ tục hành chính. Đồng thời, có cơ chế phù hợp để tạo quỹ đất sạch; tháo nút thắt về thuế, thời hạn về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, đưa ra mức giá thuê, mua phù hợp với thu nhập của người dân. Không chỉ vậy, cần đồng bộ hóa các giải pháp tạo việc làm, ổn định thu nhập, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng tương ứng… để đảm bảo hiệu quả của dự án nhà ở thu nhập thấp.

Được biết, mới đây, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án NƠXH, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp hiện đang triển khai.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, từ nay đến năm 2030, nhu cầu NƠXH ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm cần 1,7 triệu mét vuông, chiếm tỷ trọng 21% tổng số nhu cầu nhà ở. Với nhu cầu mua nhà giá rẻ, NƠXH ngày càng tăng, sẽ dẫn đến việc lệch pha cung - cầu về nhà ở tại đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao khó mua nhà ở xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO