Khách phương xa khi về với Quảng Nam, ai cũng chọn Hội An - “thủ phủ” du lịch xanh của Việt Nam. Đến với Hội An, không khó để được trải nghiệm những mô hình du lịch xanh như tour chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài hay mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, An Nhiên farm đến tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sealavie Boutique Resort & Spa...
Đây chính là điều khiến du khách cảm thấy Hội An thực sự khác biệt với những điểm du lịch khác tại Việt Nam. Ở đó, tinh thần bảo vệ môi trường, kỹ năng phân loại rác và phát triển du lịch xanh đã thấm đẫm trong cộng đồng. Bắt đầu từ nói “không” với sự lãng phí; cắt giảm đồ đạc, sống đơn giản; nói “không” với rác thải nhựa dùng một lần; tái sử dụng, tận dụng hết tính năng của các món đồ vật, tiến đến tái chế sau khi đã phân loại, tạo phân bón cho cây trồng từ rác thực phẩm, thức ăn thừa…
Phố cổ nhỏ bé này cũng đã hình thành 6 trung tâm phục hồi tài nguyên, 54 "ngôi nhà xanh" giúp người dân và du khách dễ dàng phân loại rác trước khi mang đi thu gom, tái chế. Thống kê sơ bộ, năm 2021 mới có 50% gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn ở Hội An, thì nay con số đã tăng lên 90%. Với người Hội An, xây dựng một lối sống xanh, thân thiện với môi trường đã trở thành niềm vui và thói quen thường ngày.
Yêu một vùng đất, cũng đồng nghĩa với việc làm thế nào để nơi ấy xanh lên từng ngày, đẹp hơn từng ngày. Chủ nhân của Silk Sense Hội An River Resort nằm bên dòng sông Cổ Cò thơ mộng của phố cổ Hội An - ông Trần Thái Do tin rằng, nương tựa vào thiên nhiên và các giá trị bền vững là cách tốt nhất để Hội An đẹp hơn và du lịch “sống” lâu hơn. “Khi mình thực hành du lịch xanh thì doanh nghiệp sẽ phải “gồng gánh” chi phí nhiều hơn, tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp nhận được là mang lại ý thức tốt trong bảo vệ môi trường cho nhân viên và cảm xúc tốt cho du lịch. Cái mình quan trọng là ý thức. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để mình sàng lọc được những nguồn khách muốn thực sự tận hưởng những giá trị bền vững” - ông Do chia sẻ.
Sau đại dịch Covid-19, khi giá trị của “sống xanh” trở thành lối sống tích cực được nhiều người coi trọng thì những điểm đến thân thiện với môi trường, ứng xử xanh sẽ là lựa chọn của du khách, nhất là khách quốc tế. Còn gì thú vị hơn khi được tự tay tái chế nước rửa chén, xà phòng, tạo ra phân hữu cơ để bón cho cây từ chính những loại rác mình thải ra môi trường hay được dùng bữa ngay trên đồng lúa, nơi những chú trâu vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Và còn vui hơn khi được trò chuyện cùng với những người nông dân, với sự am hiểu và biết ơn đối với chính những loại cây trồng, vật nuôi trên mảnh đất của mình, tạo ra trải nghiệm xuyên suốt, riêng biệt và độc đáo cho du khách.
Những ngày cuối năm, Quảng Nam cũng vào mùa lễ hội. Rộn ràng theo câu hát Bài Chòi của các nghệ nhân, là thanh âm của tiếng trống, nhịp chiêng giục giã nơi núi rừng như mời gọi những người bạn và du khách. Chuyến xe “trải nghiệm Quảng Nam” tiếp tục lăn bánh qua những miệt vườn xanh mướt Tiên Phước, rong ruổi miệt biển lộng gió Núi Thành hay qua những cung đèo vi vu Tây Giang.
Nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, đến làng du lịch cộng đồng Ta Lang (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), mọi người không khỏi ngạc nhiên khi toàn bộ đồ dùng phục vụ cho du khách đều làm bằng vật liệu thiên nhiên (tre, nứa, lá rừng). Sau khi “nhập làng”, anh Nguyễn Công Khanh, du khách tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, thú vị nhất vẫn là lúc cùng người bản địa lên rừng hái rau, bẻ măng, xuống suối bắt cá, hay tự tay sơ chế những món ăn truyền thống của người dân tộc Cơ Tu dưới mái nhà Gươl. Khi màn đêm buông xuống, đoàn được hòa mình vào làn điệu dân ca “rụm cây”, sôi nổi trong điệu múa “Tung tung dzá dzá” dưới ánh trăng vùng cao, không gian yên bình phía trước nhà Gươl. Những trải nghiệm chân thực, mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa, theo hướng thân thiện với thiên nhiên đang mang lại “làn gió mới” cho du lịch địa phương.
Có lẽ, Quảng Nam may mắn hơn nhiều địa phương khác khi chính quyền đã sớm ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 với hẳn một bộ tiêu chí riêng để doanh nghiệp và người dân thực hiện xây dựng sản phẩm xanh, thương hiệu xanh. Việc chọn chủ đề du lịch xanh cũng chính là động thái hưởng ứng cụ thể của Quảng Nam mong muốn hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Quảng Nam đang dần hướng du khách biết đến nhiều hơn về những vùng khác của xứ Quảng theo hướng thân thiện với thiên nhiên. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, địa phương đã hướng tới việc phát triển du lịch xanh và sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy xuyên suốt, tỉnh Quảng Nam đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”.
"Chúng tôi đang tích cực tham mưu cho Chính phủ về tín chỉ carbon, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên tham mưu về vấn đề này. Để làm được điều đó, chúng tôi phải giữ rừng, hiện nay Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước dù diện tích tỉnh chỉ đứng thứ 6. Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng để giữ được đa dạng sinh học, tìm thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển cho rừng. Đồng thời nhân rộng lối sống thuận với tự nhiên ở những điểm đến xanh đã chiếm nhiều lợi thế, hướng đến mục tiêu du lịch an toàn và bền vững", ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.