Ngôi nhà cổ mang trầm tích thời gian trên phố Phan Bội Châu |
Những ngôi nhà cổ đậm màu thời gian
Sau một giờ bay từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến Hội An vào buổi chiều giữa hạ. Hội An trầm mặc lặng lẽ bởi những ngôi nhà cổ trăm năm rêu phong cổ kính. Cô nhân viên khách sạn Litttele Riveriside nhanh nhảu bảo: “Hội An vẫn đang còn ít người lắm vì hậu Covid-19, nhưng đèn lồng thì đêm nào cũng sáng. Bởi đây là nét văn hóa đặc trưng của phố cổ. Từ khách sạn của em, các anh rẽ trái là ra phố cổ. Hàng ngàn đèn lồng, nhà cổ đang chờ đón đoàn chúng ta đấy ạ”.
Từ khách sạn Litttele Riveriside số 9 đường Phan Bội Châu rẽ trái đi 5 phút. Phố cổ hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là hàng trăm ngôi nhà mái ngói rêu phong san sát nhau trầm mặc ẩn dưới thân cây bàng thân vài người ôm chưa xuể. Những ngôi nhà “lạ như chưa từng lạ” ở phố hội này vừa mang đậm văn hóa Á Đông, vừa giống như ở nơi xa xôi nào đó. Tôi đã vỡ lẽ ra một điều tại sao khách du lịch Châu Âu lại chọn Hội An làm điểm dừng chân. Tại sao phố hội lại “níu chân” du khách thập phương bằng những ngôi nhà rêu phong mái ngói cổ kính lạ thường.
Bà Hồ Thị Mận, một trong những người già sống lâu năm nhất ở phố cổ Hội An cho biết: Hội An có những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi. Tuổi thọ của những ngôi nhà ấy đã được “trẻ hóa” bằng cách trùng tu mới. Tuy nhiên không làm mất đi dáng vẻ cổ kính của nó, mà ngược lại càng làm đẹp hơn. Tôi sống ở đây gần hết đời người, những ngôi nhà cổ này có từ lâu đời chưa hề thay đổi. Nếu có thay đổi, thì đó là thời gian thôi, chứ phố cổ, nhà cổ vẫn như thế. Đây là nét đặc biệt nhất của đất và người phố hội chúng tôi đấy.
Những ngôi nhà cổ trên phố Hội An |
Đèn lồng nét đẹp truyền thống kiêu kỳ
Màn đêm buông dần, Hội An bắt đầu bừng sáng bởi hàng ngàn đèn lồng đủ sắc mầu lung linh trên các tuyến phố. Không chỉ những con phố cổ mới có đèn lồng, mà ngay cả những con “kiệt” sâu thăm thẳm, đèn lồng vẫn “giăng” tới tận nơi. Anh Nguyễn Anh Tuấn, diễn viên múa trẻ của phố hội cho hay, ở Hội An những con ngõ sâu được gọi là “kiệt”. “Kiệt” là nơi giăng đèn lồng nhiều nhất.
Tôi hỏi đèn lồng Hội An có từ bao giờ? Anh Tuấn Anh thưa: “Thật tiếc là không ai trả lời được chính xác thời điểm ra đời của những sản phẩm nghệ thuật thủ công này là tự bao giờ, ai đã tạo ra chúng đầu tiên và ý nghĩa của nó là gì. Chỉ biết rằng chúng đã có tuổi thọ từ hơn 400 năm trước (vào khoảng thế kỷ 16) và trở thành một trong các sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời tại Việt Nam”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, câu chuyện đèn lồng được người dân nơi đây lưu truyền rằng, ông Tổ của đèn lồng Hội An có tên là Xã Đường. Ông là thợ chuyên làm các loại đèn mã đầu rồng trong các cuộc thi và nghề làm đèn lồng được khai sinh từ đó. Song cũng có giả thiết cho rằng đèn lồng Hội An có xuất xứ từ đất nước Trung Hoa.
Trong thời kỳ người dân Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu du nhập vào Hội An sinh sống và buôn bán, họ mang theo những chiếc đèn lồng treo trước nhà như để tưởng nhớ về quê cha đất tổ. Nhưng dù nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì khắp các con phố của Hội An về đêm, từ bao năm qua, thế hệ nối tiếp thế hệ, đèn lồng Hội An vẫn phủ khắp mọi ngóc ngách đường phố.
Đèn lồng treo trên nhà cổ |
Quay sang trái hay phải, nhìn lên trên hay xuống dưới, hướng về phía trước mặt hay quay lại phía sau, đâu đâu bạn cũng bắt gặp cái thứ ánh sáng đa tầng đầy mê hoặc ấy mà khi đêm càng về khuya, càng lung linh, rực rỡ.
Có thể nói đèn lồng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vẻ cổ xưa, mộc mạc của Hội An. Trải qua hàng trăm thế hệ, những chiếc đèn lồng dần được hoàn thiện tinh tế và sáng tạo hơn. Dù ngày hay đêm, đèn lồng Hội An vẫn cứ ẩn hiện ở khắp các con phố như những nét chấm phá đầy màu sắc cho bức tranh Hội An cổ kính, mộc mạc và lãng mạn. Phố cổ, đèn lồng Hội An vừa kiêu kỳ, vừa lãng mạn sẽ làm lòng người say đắm, kể cả những người “khó tính” khô khan nhất.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại những nét đẹp tại phố cổ Hội An:
Những khách sạn, nhà hàng ở Hội An “hút” khách bằng cách trang trí đèn lồng lạ mắt |
Đèn lồng treo sâu trong những “con kiệt” (hẻm) |
Tầng lớp đèn lồng |
Đèn lồng trên những ngọn cây |
Khoe sắc bên sông khi phố hội lên đèn |
Dưới đèn lồng hóng mát chiều hè |