Vất vả nghề làm than củi

Trương Thanh Liêm| 01/07/2020 14:48

(TN&MT) - Trong xu thế phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều người sử dụng nguồn nhiên liệu đốt như: xăng, dầu, ga, từ, điện…để sinh hoạt, kinh doanh nhưng tại tỉnh Hậu Giang vẫn đang tồn tại hàng trăm lò sản xuất than đốt phục vụ người tiêu dùng, nhiều nhất là xã Phú Lễ, Phú Tân ( huyện Châu Thành) và xã Đại Thành (TX Ngã Bảy).

Đối phó từng ngày, từng giờ với bệnh tật

Bà Trương Thị Tuyết, chủ một lò than ở xã Đại Thành, TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang phân bua “…cực lắm, ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn, nhiều người phải mang thương tật hay bệnh mãn tính cả đời nhưng đã trót theo nghề này thì chấp nhận thôi, chớ biết làm nghề gì khác bây giờ, nhất là những lao động nghèo không đất đai, không vốn sản xuất…”.

Chuẩn bị củi hầm than

Anh Võ Công Tân, ngụ ấp Phú Tân A, xã Phú Tân cho biết “…tính tới năm 2020 nầy tôi đã sống chúng với các lò than được 32 năm rồi. Đi bệnh viện bác sỹ nói đã mang nhiều thứ bệnh phải nghỉ làm thôi. Khổ lắm nghỉ rồi lấy gì mà sống, mà nuôi con ăn học, thôi thì tới đâu hay đó”

Anh Tân nói thêm: thợ lò than là đàn ông như anh được trả công từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày; cánh đàn bà từ 150.000 đến 180.000 đồng/người/ngày tùy khâu lao động. Công việc khá nặng nhọc, nóng bức, độc hại vì khói lò nhưng phải chấp nhận vì miếng cơm manh áo.

Tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành nếu như những năm 1980 chỉ có khoãng 200 lò than thì nay con số nầy đã lên trên 400 lò với hàng ngàn lao động thường xuyên. Nhìn những khuôn mặt lấm lem khói bụi đen ngòm trong không khí oi bức nóng hừng hực bên các lò than, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và lo lắng cho những người đang lao động nơi đây. Họ đã không còn sự lựa chọn nào khác cho cuộc mưu sinh

Cái nghề hạ bạc nhưng nuôi sống hàng ngàn lao động

Nhiều chủ lò than tại Hậu Giang tính toán rằng: trừ hết các khoãn chi phí đầu tư như mua củi làm than đốt lò, củi làm chất đốt, công bốc vác, cưa xẻ, lấy than ra lò, vận chuyển xuống ghe thương lái…chủ lò sẽ còn lãi khoãng 8 đến 10 triệu đồng/mỗi lò tùy theo qui mô lò lớn nhỏ, tùy thuộc giá mua bán trên thương trường. Bình quân từ khi chất củi vào lo đến khi thu hoạch than từ 30 đến 40 ngày tùy thuộc chất liệu củi đưa vào. Trong quá trình “ hầm” người canh lò phải duy trì lửa cháy liên tục, đều để không xảy ra tình trạng than “ sống”.

Đốt lò hầm than

Trong những ngày giáp tết 2020, chúng tôi có dịp về Ấp Đông An A, xã Đại Thành, TX Ngã Bảy, nơi được xem là “cái nôi” của nghề hầm than của tỉnh Hậu Giang với trên 70 năm ra đời. Nếu như trước đây ấp nầy có gần 100 hộ hành nghề “ hầm than” thì nay đã lên đến 150 hộ .Dù nguy hiểm đến vậy nhưng họ vẫn bám nghề vì đa phần không có đất sản xuất phải đứng trước cuộc mưu sinh. Hộ làm nghề lâu nhất đã trên 70 năm, hộ mới nhất cũng đã 50 năm.

Điều đáng quan ngại là hầu hết các lò than này xây dựng sơ sài, không lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi nhưng vẫn ngày đêm hoạt động đã tác động không nhỏ đến đời sống, canh tác và môi trường xung quanh dẫn đến nhiều nhà vườn cây ăn trái đã “chết đứng” vì sản lượng giảm, chi phí tăng, thậm chí là không canh tác được phải đốn bỏ cây trồng.

Bà Sơn Thị Tuôn, ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành bức xúc nói “…các lò than đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người xung quanh, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn, hàng trăm ha của người dân đã bỏ hoang, chúng tôi khiếu nại khắp nơi nhưng đâu lại hoàn đấy. Dù rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người lao động nhưng không vì vậy cứ để chúng tôi sống chung với những hỏa lò quá nguy hiểm…”.

Chưa tìm được lối ra phù hợp

Chính quyền các đia phương có nhiều lò than hoạt động dù đã hết sức tuyên truyền vận động để hạn chế phạm vi ô nhiễm nhưng xem ra kết quả chưa như mong đợi. Đã vậy, hầu hết các lò than đều nằm trong diện không được cấp phép. Tuy nhiên việc xử lý gặp khó khăn bởi đa số là hộ nghèo, mưu sinh từ nghề nầy hàng chục năm qua, vì vậy huyện chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, lập biên bản, buộc làm cam kết.

Than ra lò sau khi hầm

Điều này đồng nghĩa với việc “thả nổi” hoạt động của hàng trăm lò than đang hoạt động ngày đêm và cái chết vì khói độc với người trực tiếp lao động đã được báo trước vì không ai được trang bị các dụng cụ bảo hộ, không lò than nào có thiết bị khử độc. Hiện nay để lắp đặt môt thiết bị khử độc đơn giản cũng phải mất đến 50 triệu đồng, một con số khiến nhiều người ngán ngại đầu tư

Cần lắm một sự hỗ trợ từ nhiều phía để hàng trăm lò than ở Hậu Giang tiếp tục tồn tại nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp lao động lẫn người dân xung quanh, giải quyết được việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nông thôn vốn đã gắn bó với nghề nầy hàng chục năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vất vả nghề làm than củi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO