Vật liệu xanh “loanh quanh” tìm chỗ đứng

Phạm Thu Hà| 05/11/2019 15:19

(TN&MT) - Sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung tiêu tốn 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp ở độ sâu canh tác 2m và 150.000 tấn than, đồng thời, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2. Năm 2020, ước tính khoảng 42 tỷ viên gạch nung sẽ được sử dụng.

Con số này được đưa ra tại Hội thảo mới đây do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Xây dựng và Tổ chức GreenID tổ chức với chủ đề “Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường - Thực trạng và giải pháp”.

Cần khẩn trương áp dụng công nghệ

Ngành xây dựng sử dụng khoảng 1/3 năng lượng trên toàn cầu và phát thải khoảng 35 - 40% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới, đồng thời, sử dụng hơn 1/3 nguồn nguyên liệu trên toàn cầu. Phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính, thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc phát triển vật liệu xây dựng hiện nay cần phải áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn. Điều này rất cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.

Thay thế cho vật liệu xây dựng đang phổ biến hiện nay, các chuyên gia đề xuất có thể sử dụng các loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường, các vật liệu ít tiêu hao năng lượng, có tỷ lệ tái chế cao, hạn chế thành phần độc hại. Hiện nay, trên thị trường, vật liệu xây dựng “xanh” khá đa dạng về chủng loại như: Sơn sinh thái, gạch không nung, các tấm cách nhiệt, các tấm bê tông đúc sẵn, gỗ áp tường xanh, xi măng xanh, tấm thu năng lượng mặt trời, tấm lợp hữu cơ… và người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong lựa chọn.

Gạch không nung thân thiện môi trường. Ảnh: MH

Vẫn chưa áp dụng rộng rãi

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Eurowindow - Nhà cung cấp tổng thể về cửa hàng đầu Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, bởi một số rào cản như: Lo ngại về chi phí gia tăng, tiêu chuẩn vật liệu xanh chưa được ban hành cụ thể trong các văn bản pháp luật của các cơ quan chức năng.

Ông Hồng phân tích lý do khiến giá thành các loại vật liệu xây dựng thân thiện với với môi trường chưa cạnh tranh được với các loại vật liệu thông thường. Về phía nhà sản xuất, đây là bài toán giảm chi phí, giá thành, bán hàng, phân phối. Về phía người tiêu dùng, cần một chiến dịch tuyên truyền và khuyến khích bài bản để từng bước thay đổi thói quen.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến; đẩy mạnh việc dán nhãn đối với vật liệu xây dựng xanh và phải có những ưu đãi cụ thể cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu “xanh” như một cách gián tiếp bảo vệ môi trường.

Vướng mắc lớn nhất làm cho tỷ lệ sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường không đạt tỷ lệ mong muốn là giá bán đang cao hơn giá vật liệu cùng loại thông thường từ 10 - 30%. Mức chênh lệch này khá lớn, xét trên tổng thể một căn nhà, một công trình hay dự án, việc chịu chi thêm hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng để góp phần bảo vệ môi trường chưa được nhiều người lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vật liệu xanh “loanh quanh” tìm chỗ đứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO