Điều chỉnh hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), 100% cán bộ, nhân viên tuân thủ đạo đức công vụ, văn minh công sở, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp - đây là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, là bước thay đổi ngoạn mục đo bằng chỉ số hài lòng của dân đang hiện hữu tại Vĩnh Phúc.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai, theo Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn, trọng tâm là đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, nâng cao chỉ số cạnh tranh trong lĩnh vực đất đai; nâng cao chỉ số chuyển đổi số. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ.
Để công tác cải cách TTHC chuyển biến và đi vào thực chất, nâng chỉ số hài lòng của người dân, Giám đốc Sở TN&MT đã ban hành hàng loạt Quyết định, Kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ, chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thành phố; ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Vĩnh Phúc và Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn, các Chi nhánh thuộc Văn phòng; phối hợp với Cục thuế tỉnh ban hành Quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, luân chuyển hồ sơ theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Sở đã thành lập 4 tổ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh mọi mặt hoạt động, công tác tại 9 Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện TTHC đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, quá hạn. Rà soát công tác tổ chức, việc bố trí, phân công nhiệm vụ cán bộ; tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, bố trí lại lực lượng lao động, thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ đảm bảo bộ máy hoạt động tinh gọn, khoa học và hiệu quả.
Đến nay, việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả giải quyết TTHC về cấp GCNQSDĐ, từ con số 80% tỷ lệ chậm muộn thời điểm đầu năm 2022, giảm còn 16,5% trong tháng 12/2022, giảm dần ở các tháng đầu năm 2023; Về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, từ 1 tỉnh không thuộc dự án, Vĩnh Phúc hiện luôn đứng trong 10 tỉnh thực hiện tốt nhất của toàn quốc, tất cả TTHC được thực hiện trên phần mềm tại địa chỉ https://vph.mplis.gov.vn/. Trên cơ sở kết quả giải quyết TTHC, cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành, bước đầu làm tiền đề để xây dựng hệ thống thông tin đất đai toàn tỉnh.
Chúng tôi đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, nhân viên Văn phòng ĐKĐĐ và cán bộ, nhân viên các chi nhánh Văn phòng phải nghiêm túc tuân thủ tuyệt đối đạo đức công vụ, văn minh công sở, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và làm chủ khoa học công nghệ để nâng chất lượng phục vụ nhân dân. Nếu mỗi cán bộ, nhân viên biết đặt mình vào vị trí của dân để thấu hiểu, cảm thông thì vất vả khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn và đôi khi trở thành cơ hội để thử thách bản thân. Trên hành trình mang lại hài lòng cho dân, chúng tôi không chỉ trưởng thành hơn, mà còn được nhận lại những giá trị hạnh phúc từ chính sự tin yêu của dân mang lại.
Ông Nguyễn Kim Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc
Ghi từ điểm sáng Tam Dương
Trong giải quyết TTHC về cấp GCNQSDĐ, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Bình Xuyên và Tam Dương là 2 Chi nhánh đứng đầu với tỷ lệ chậm muộn lên đến 80%. Từ những chủ trương, triển khai đúng hướng của Sở TN&MT; sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên Chi nhánh, nhiều đổi thay đã diễn ra vượt tưởng tượng mà Tam Dương được xem là điểm sáng điển hình của sự thay đổi này.
Có mặt tại VPĐKĐĐ huyện Tam Dương từ 7h30’, chúng tôi chứng kiến một không khí làm việc hết sức nghiêm túc, khẩn trương. Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Cao Thanh Liêm và Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Nguyễn Trung Thành đều mới được Sở điều về nhận nhiệm vụ ở địa bàn đặc biệt này. Trước khi có sự thay đổi cán bộ chủ chốt, mỗi ngày Chi nhánh nhận xấp xỉ 100 hồ sơ, tỷ lệ chậm muộn cao, đỉnh điểm lên đến 80%.
Hiện, lượng hồ sơ tại Chi nhánh không hề giảm, thậm chí còn tăng lên. Sự thay đổi này được nhân viên Phùng Thị Tâm giải thích: Từ kết quả giải quyết của Chi nhánh có nhiều thay đổi tích cực nên người dân cảm thấy việc đến văn phòng ĐKĐĐ thực hiện đăng ký rất đơn giản thuận tiện, vì thế, gần như 100% người dân trực tiếp mang hồ sơ của mình đến nộp chứ không giao cho “cò cầm cái” như trước, vì thế, lượng người đến Chi nhánh không giảm, thậm chí đông hơn.
Nhận xét về những đổi thay này, chị Nguyễn Hồng Anh - một công dân đang nộp hồ sơ tại Chi nhánh chia sẻ: “Cán bộ và nhân viên của Chi nhánh đã giải thích cho chúng tôi hiểu quyền được xác nhận quyền sở hữu của chúng tôi trên chính mảnh đất của mình. Vì thế, mình không nên trao cái quyền đó cho một người khác làm hộ, vừa tốn một khoản tiền không cần thiết vừa mất an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Chi nhánh đã mang lại niềm tin, sự thoải mái cho chúng tôi khi tiếp nhận và trả kết quả. Chẳng có lý do gì để chúng tôi nhờ ai cả, cứ cán bộ Chi nhánh mà cậy nhờ”.
Với trách nhiệm của người đứng đầu và trình độ, kiến thức, năng lực quản lý, kỹ năng giải quyết “gỡ vướng”, đội ngũ cán bộ Chi nhánh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động, sắp xếp lại cơ cấu biên chế tổ chức, bố trí công việc phù hợp, đúng việc đúng người, phân bổ thời gian làm việc, thay đổi cách thức vận hành, tiếp dân, thay đổi tư duy xin - cho, thay đổi cách thức làm việc giữa cán bộ Chi nhánh với nhân viên.
Bên cạnh hàng loạt thay đổi diễn ra trong một thời gian ngắn, quyết tâm đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào sử dụng để phá vỡ thói quen cố hữu trong phương thức làm việc của toàn bộ hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ, sử dụng phần mềm VBDLis để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thực hiện TTHC nhằm trao đổi thông tin luân chuyển hồ sơ theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình cá nhân áp dụng đồng bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được Chi nhánh triển khai quyết liệt, triệt để...
Một trong những thay đổi trong vận hành, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đó là Chi nhánh đã phân biệt rõ nhiệm vụ của bộ phận nội nghiệp và ngoại nghiệp đúng theo quy định của Sở về chức năng nhiệm vụ, tránh chồng chéo chức năng, đồng thời tăng tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ.
Hằng ngày, Chi nhánh thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, đảm bảo luôn có 1 cán bộ lãnh đạo Tại Chi nhánh và 1 lãnh đạo trực tại Văn phòng; trực tiếp giải quyết vướng mắc, trực tiếp ký, yêu cầu nhân viên chuyển hồ sơ ngay khi đã được ký.
Thời điểm giữa năm 2022 về trước, nhân viên nội nghiệp tại Chi nhánh có 8 người, mỗi ngày tiếp nhận, giải quyết 7 - 8 bộ hồ sơ. Thực hiện sắp xếp lại lao động, số lượng nhân viên nội nghiệp giảm còn 4 người, mỗi người mỗi ngày giải quyết khoảng 30 hồ sơ. Đây là kết quả đúng đắn của việc cơ cấu lại đội ngũ, sắp xếp lại vị trí, xốc lại tinh thần và nhiệt huyết của nhân viên. Chỉ với 23 cán bộ, nhân viên (giảm 7 người so với trước), họ đã đưa tỷ lệ giảm muộn xuống mức tưởng chừng không thể hình dung: Chạm mốc 5% Giám đốc Sở giao.
Giờ đây, cơ sở dữ liệu về đất đai sau khi khai thác sẽ được nạp ngay vào hệ thống. Trên phần mềm VBDLis và nền tảng công nghệ Zoom, Ultra view, Google Meet, việc tra cứu, thao tác, giải quyết công việc diễn ra trực tiếp thuận lợi mọi lúc mọi nơi, cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các thành viên trong nhóm. Từ chuyển hồ sơ bằng giấy đến chuyển qua scan đã là một thay đổi, nhưng đến lúc có phần mềm VBDLis thì chuyển đổi số ở Chi nhánh Tam Dương đã thực sự bắt đầu.
Là cán bộ đứng đầu Chi nhánh với nhiều áp lực từ ngày nhận nhiệm vụ, trước sự đổi thay từng ngày, Giám đốc Cao Thanh Liêm đã chỉ ra 2 bí quyết cốt lõi của thành công đó là Chế độ trực lãnh đạo và Nguyên tắc 5-5-5, áp dụng cho bộ phận nội nghiệp.
5 phút đọc hồ sơ - 5 phút nhập dữ liệu - 5 phút xử lý, hoàn thành hồ sơ trình lãnh đạo. Thủ tục để giải quyết 1 bộ hồ sơ sẽ diễn ra trong 10 ngày, với những hồ sơ có vướng mắc phải tạm dừng để xem xét kỹ hơn, nhân viên sẽ báo cáo xin ý kiến cán bộ. Trường hợp chậm muộn, cùng với phiếu thẩm định, Chi nhánh sẽ gửi Thư xin lỗi công dân về việc chậm muộn hồ sơ do điều kiện khách quan kèm theo.
Tỷ lệ chậm muộn trong giải quyết TTHC của chi nhánh Tam Dương đã giảm rõ rệt: Từ trên 80% trong báo cáo giám sát của HĐND tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII tháng 7/2022 đã giảm xuống 5,6% vào tháng 3/2023, cụ thể: Tháng 1: Tỷ lệ chậm muộn là 45,5 %; Tháng 2: 20,5 %, giảm 25 % so với tháng 1; Tháng 3: Tỷ lệ chậm muộn còn 5,6 %, giảm 14,9 % so với tháng 2 và đạt tới chỉ tiêu mà Giám đốc Sở TN&MT đề ra.
Là người trực tiếp tham gia kiến tạo và thực hiện các giá trị thay đổi, chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục đó, trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Vĩnh Phúc Đinh Thị Quỳnh Lâm cho biết: Không riêng gì Tam Dương, Bình Xuyên, cải cách TTHC trên lĩnh vực đất đai tại Vĩnh Phúc đã thực sự xóa bỏ quan niệm “hành là chính” của dân. Để có được điều này, theo tôi, xuất phát từ sự đoàn kết, thống nhất về chủ trương, đường lối, chính sách của Tỉnh ủy, UBND; tầm nhìn và sự quyết liệt trong phong cách lãnh đạo của Giám đốc Sở TN&MT; sự đồng lòng giữa Sở TN&MT và các cơ quan liên quan; sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ, nhân viên Văn phòng và các Chi nhánh; đặc biệt là giải pháp thực tiễn thay đổi cách vận hành hệ thống Văn phòng và vận dụng triệt để các nền tảng công nghệ.
Đặc biệt hơn, như cách nói của Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Kim Tuấn: “Cách này hay cách khác, mục tiêu cuối cùng là thay đổi phải cụ thể hóa được sự hài lòng của nhân dân, phải lấy chỉ số hài lòng về đất đai của nhân dân làm thước đo thay đổi”.