Văn Lâm - Hưng Yên: Dân "khốn khổ" vì doanh nghiệp tái chế nhựa

13/08/2018 19:12

(TN&MT) - Người dân sống tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm đang rất bức xúc vì cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ...

(TN&MT) - Người dân sống tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm đang rất bức xúc vì cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa xả thải ra môi trường...

Theo phản ánh của người dân địa phương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng (Công ty Sơn Tùng) hoạt động trong làng nghề Minh Khai. Nhưng do Công ty liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc nên đã phải chuyển trụ sở ra thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ngay cạnh tỉnh lộ 385 và chỉ cách UBND xã Lạc Đạo chưa đầy 1 km để hoạt động.

Theo tìm hiểu của PV, tại làng nghề Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp kinh doanh, hộ gia đình hoạt động tái chế nhựa. Chính vì vậy, môi trường nước và không khí tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong đó có thể kể tới Công ty Sơn Tùng.
Nhà máy tái chế nhựa Công ty Sơn Tùng tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Nhà máy tái chế nhựa Công ty Sơn Tùng tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 09/08, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại “thủ phủ” làng nghề Minh Khai nơi người người, nhà nhà tái chế đồ nhựa để ghi nhận thực tế. Hàng trăm bao nilon rác thải, được đắp chạy dọc hai bên đường làng phát mùi hôi thối, nồng nặc gây cảm giác khó thở.

Để hiểu thêm lo lắng của người dân, PV cũng đã tìm đến xưởng tái chế nhựa của Công ty Sơn Tùng, “cơ sở” này được quây kín lại bằng rào tôn cao hơn 2m, ngay dưới chân hàng rào là rãnh nước bao quanh, có cửa thoát thông ra với mương thoát nước của xã Lạc Đạo.

Chia sẻ với PV, nhiều người dân sống tại thôn Ngọc, xã Lạc Đạo cho biết, ngày nào 3 đường ống thoát nước thải của Công ty Sơn Tùng cũng xả thẳng ra con mương của xã Lạc Đạo. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy nước nổi váng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân.
Mương nước thải chảy từ Công ty Sơn Tùng.
Mương nước thải chảy từ Công ty Sơn Tùng.
“Nước thải đổ thẳng vào mương và chảy vào khu vực trồng lúa của người dân. Mỗi khi chúng tôi ra ruộng làm đều bị ngứa ngáy chân tay, mùi thì hôi thối gây cảm giác khó thở”, bà N.T.N – một người dân địa phương chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều người dân sống gần Công ty Sơn Tùng cũng bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe của bản thân và hệ lụy sau này đối với con cháu. Thậm chí, một số người dân cho rằng phải có “thế lực chống lưng” doanh nghiệp mới coi thường pháp luật.

Liên quan đến việc này, trao đổi với báo chí, ông Dương Minh Họa - Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo cho biết: Trước đây Công ty Sơn Tùng sản xuất nước giải khát, sau đó chuyển đổi sang lĩnh vực thu gom và tái chế nhựa.

Về việc người dân bức xúc về tình trạng Công ty Sơn Tùng tập kết phế liệu chưa qua tái chế tại cổng hậu, dọc tỉnh lộ 385 và xả khói trực tiếp ra môi trường, ông Họa cho biết: “Tôi có chất vấn giám đốc Công ty Sơn Tùng về vấn đề này, phía Công ty cho biết đó là quá trình hút nén nổ xả”.

Theo như vị Chủ tịch này, trung tuần tháng 06/2018 những vấn đề về Công ty Sơn Tùng đã được xã trực tiếp báo cáo lên cấp trên qua các kênh như tiếp xúc HĐND, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Văn Lâm và các cấp có thẩm quyền cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm sự việc.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn Lâm - Hưng Yên: Dân "khốn khổ" vì doanh nghiệp tái chế nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO