Văn hóa phải là lẽ sống

GS, TS. Trần Văn Bính| 14/10/2021 09:20

(TN&MT) - Thời gian gần đây, trước bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch và triển khai hàng loạt các sự kiện, hoạt động quan trọng, ý nghĩa, trong khi đa số nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và thể hiện niềm tin đó bằng hành động ý nghĩa thì cũng không ít cá nhân có biểu hiện xem nhẹ, chống đối, thờ ơ…

Ở góc độ văn hóa, đã bộc lộ hàng loạt các sự việc, hiện tượng phản cảm, thiếu văn hóa, hội chứng bão đám đông... ngoài đời và trên mạng xã hội. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng thiết chế và công tác quản lý văn hóa ở một góc nào đó còn khuyết và bỏ ngỏ?

Có thể khẳng định, văn hóa là bộ mặt của quốc gia, là giá trị cốt lõi, nguồn cội của dân tộc. Kể từ khi trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, Bác Hồ và Đảng luôn coi trọng sự nghiệp văn hóa, vì văn hóa không chỉ là nhu cầu bức thiết xây dựng và phát triển con người, mà còn là động lực quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, quan điểm của Đảng luôn kiên định: Giương cao ngọn cờ văn hóa trong sự nghiệp cách mạng, vì văn hóa là con người, văn hóa liên quan trực tiếp đến hạnh phúc con người.

Ảnh minh họa

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: Văn hóa phải đặt ngang với kinh tế và chính trị. Đó là một khẳng định cần thiết, quan trọng, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện con người theo đúng tinh thần mà các cương lĩnh hành động cách mạng của chúng ta đã đề ra.

Trở lại vấn đề gần đây khi hàng loạt các sự việc, hiện tượng phản cảm, thiếu văn hóa, dẫm đạp lên các giá trị văn hóa, hội chứng bão đám đông... ngang nhiên xuất hiện trong đời sống và lan truyền trên mạng xã hội, có thể thấy rằng thiết chế văn hóa và sự quản lý về văn hóa còn có những góc bỏ ngỏ bởi thực tế đã từng khuyến cáo và chứng minh, chỉ cần một bộ phận, mắt xích quản lý lỏng lẻo, cộng với nhận thức chuệch choạc, yếu kém về văn hóa của một số cá nhân sẽ trở thành miếng đất thuận lợi để mặt trái kinh tế thị trường và toàn cầu hóa tấn công, các giá trị cốt lõi của văn hóa chân, thiện, mỹ đôi khi bị xem nhẹ, thậm chí bị xúc phạm.

Ở góc độ cá nhân, văn hóa là giá trị nền tảng, hàng đầu của con người. Ở góc độ đất nước, văn hóa phải là một trong ba trụ cột: Văn hóa - chính trị - kinh tế. Phải đặt văn hóa ngang tầm chính trị và kinh tế như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, hơn thế, văn hóa phải là giá trị đặt lên hàng đầu. Đồng thời, ba trụ cột đó phải gắn kết với nhau, xuyên thấm lẫn nhau, vì trong quá trình tiến hành đổi mới hiện nay, một sự yếu kém trong mỗi lĩnh vực đều có thể dẫn tới những yếu kém trong các lĩnh vực khác.

Để văn hóa thực sự xứng tầm, công tác quản lý phải xem trọng hàng loạt vấn đề về nhân lực, vật lực, tài lực. Cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hóa phải được đào tạo, bồi dưỡng để trang bị đầy dầy tri thức về văn hóa, phải thấu hiểu các giá trị của văn hóa; đồng thời, phải tu dưỡng, nêu gương tốt về văn hóa. Và dù là cán bộ lãnh đạo, quản lý xã hội hay dân thường, chỉ khi chân, thiện, mỹ trở thành lẽ sống đối với mỗi con người thì khi đó văn hóa mới trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống.

Ở một bộ phận cá nhân có biểu hiện lệch lạc về văn hóa như hiện nay, có thể ngẫm ra, chừng nào con người còn chệch ra khỏi định hướng văn hóa của Đảng và các giá trị văn hóa của dân tộc; biến bản thân thành “tù nhân” của văn minh vay mượn, tư tưởng dân túy, thói học đòi, ích kỷ, vụ lợi, đề cao cá nhân… thì chừng đó, với họ, văn hóa còn xa vời, thậm chí không bao giờ với tới.

Và như vậy, một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề của Đảng, Nhà nước và những người làm công tác quản lý văn hóa là phải làm sao hạn chế sự va đập của các trào lưu xô bồ, sai định hướng đối với xã hội và con người hiện nay. Phải tạo ra và xây dựng con người được trang bị giá trị bền vững về văn hóa, làm nền tảng để cùng với các giá trị chính trị và kinh tế, hoàn thiện con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa phải là lẽ sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO