Vần Đồn - Quảng Ninh: Xã Hạ Long có “biến” đất công thành đất ở?

Bài & ảnh: Kiên Cường | 29/04/2021 18:44

(TN&MT) - Trong thời gian dài, từ khi chia lại ruộng đất (năm 1996 đến nay) nhiều diện tích trồng lúa, vườn tạp, đấu thầu và đất công ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã “biến” thành diện tích đất ở, được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Theo phản ánh và cung cấp tài liệu (sổ mục kê, bản đồ địa chính…) của người dân thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) về việc hàng loạt hộ gia đình là cán bộ thôn, xã và người nhà đã chiếm đoạt nhiều diện tích đất công, chuyển đổi đất sai mục đích, mua đi bán lại cho các hộ gia đình khác chuộc lợi. Những diện tích đất này đều đã được hợp thức hóa thành đất ở và được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Người dân phản ánh nhiều diện tích đất công dọc tỉnh lộ 334 xã Hạ Long nay đã biến thành đất ở 

Đại diện cho các hộ dân, bà Đỗ Thị Hương, thôn 5, xã Hạ Long bức xúc: Gia đình tôi đi làm kinh tế mới năm 1978, cùng trên 100 hộ dân ở cùng quê xã Liên Vị, huyện Yên Hưng theo Chỉ thị số 49/CT – UBND tỉnh Quảng Ninh. Năm 1996, thực hiện việc chia ruộng đất cho các hộ gia đình, mỗi nhân khẩu được 600m2 đất ruộng. Ngoài diện tích ruộng được chia, còn lại là đất công chính quyền xã Hạ Long cho người dân thầu để canh tác, khi Nhà nước sử dụng thì thu hồi để thực hiện các công trình phúc lợi, không đền bù diện tích này.

Nhiều hộ gia đình, đa số là gia đình và người nhà cán bộ thôn, xã đã chiếm dụng biến thành đất của cá nhân và thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Điều đáng nói, có gia đình cán bộ xã đã bán hàng ha đất vườn tạp, nay các hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Cộng với việc hàng trăm hộ dân xây dựng nhà kiên cố trước đây là đất đấu thầu của UBND xã và đất do xã Hạ Long quản lý, gây bức xúc dư luận.

Người dân xã Hạ Long cho biết, khi chia ruộng đất theo Nghị định 64 - CP của Chính phủ, xã Hạ Long đã giữ lại 80% đất mặt đường tỉnh lộ 334 là đất công, nhưng nay gần hết diện tích đất này đã biến thành đất ở và nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng đất đai, như: Ông Lê Quang Huy, nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Long (giai đoạn 1978 – 1995). Năm 1996, ông Huy làm Trưởng thôn 5, thời điểm chia ruộng gia đình ông Huy được xã Hạ Long giao 6.830m2 đất ruộng (trong đó 1.170m2 đất thầu 5% của xã) cùng với đất vườn tạp ông Huy mua thanh lý tổng diện tích 10.691,6m2 nay đã chuyển đổi, bán cho các hộ gia đình. Trên diện tích đất này, nay được cấp 11 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và xây dựng các nhà kiên cố. Không những vậy, gia đình ông Huy còn nhận tiền bồi thường của Nhà nước 3.350m2 (đây là đất canh tác nhận thừa của xã Hạ Long giao đất).

Ruộng canh tác cùng đất đấu thầu của gia đình ông Lê Quang Huy, nay đã bán cho nhiều người và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Tương tự, ông Lê Văn Khịt (vợ Nguyễn Thị Tuyến) thôn 5 đã bán 2.140m2 đất ruộng được xã Hạ Long chia năm 1996, nay các gia đình khác chuyển đổi thành đất ở được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Ngoài ra, gia đình ông Khịt còn diện tích đất vườn tạp 3.749m2 chuyển đổi thành đất ở nông thôn. Theo như quy định của huyện Vân Đồn, các hộ mua lại tài sản và đất nhưng không còn giấy tờ, được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tối đa 400m2/hộ gia đình (gia đình ông Khịt là trường hợp không còn giấy tờ mua bán gốc) nhưng không hiểu sao gia đình ông Khịt đã được chính quyền cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất trái với quy định trên 5 nghìn mét vuông đất ruộng và vườn tạp.

Còn trường hợp ông Hoàng Việt Thanh, thôn 5 (cũng là trường hợp theo quy định không còn giấy tờ mua bán gốc) nên chỉ được cấp tối đa 400m2 đất ở. Hiện ông Thanh đã sang nhượng cho ông Tạ Đức Quyết 11.677,7m2 đất (đây là diện tích vừa là đất ở, đất vườn tạp cùng ruộng được chính quyền địa phương bán) nay toàn bộ diện tích này đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (ONT).

Đối với trường hợp nhà ông Nguyễn Sỹ Bính, nguyên Kế toán của xã Hạ Long xây nhà trên đất nông nghiệp, sau đó bán nhà cùng diện tích đất liền kề (tổng 2.020m2) đây là đất công lấn chiếm trái phép, nay đã được hợp lý hóa bằng việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Trên danh nghĩa huy động đoàn thanh niên trồng cây trên đất công, ông Bính chiếm dụng 9.025m2 bán cho ông Đặng Phúc Lâm, nhưng hiện diện tích đất này trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lại mang tên ông Nguyễn Văn Thắm.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo TN&MT, ông Dương Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Long cho biết: “Hiện nay, xã Hạ Long chỉ còn lại sổ ghi chép tay và bản đồ giải thửa (thời điểm chia ruộng đất năm 1996) hai loại giấy tờ này đều không có dấu. Xã chỉ dựa vào đây để  xác định ruộng đất của các hộ gia đình trong xã, trong đó nếu diện tích đất nào ghi là đấu thầu thì bỏ lại không cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Xã không có hồ sơ, sổ sách nào đủ cơ sở pháp lý để xác định được ruộng đất đã chia cho người dân và đất công (đất 5% xã quản lý) nên hiện xã cũng không có hợp đồng đấu thấu nào được ký với người dân.

Xã Hạ Long dựa vào sổ ghi chép tay tẩy xóa để xác định ruộng  đất của người dân

Lý giải tại sao trên bản đồ địa chính năm 2013 của xã Hạ Long các hộ gia đình nêu trên, có diện tích đất ở nông thôn (ONT) lớn, ông Dương Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Long cho hay: Trên diện tích đấy do có nhà ở nên được ghi chung một loại đất, còn khi cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, xã đối chiếu với sổ ghi chép tay, bản đồ giải thửa nếu không phải loại đất phù hợp sẽ không được xác nhận cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Bởi từ khi tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ đất đai (năm 2007) thì xã không được bàn giao loại giấy gì, như: Sổ sách ghi chép biến động đất đai, sổ quản lý đất công, bản đồ địa chính… Việc người dân phản ánh, nhiều hộ gia đình vi phạm đất nông nghiệp, đất công, bán đất tràn lan và đã làm được nhiều Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, phóng viên làm việc với Văn phòng Quyền sử dụng đất để được cung cấp hồ sơ đất đai, xã không quản lý – ông Ninh nói.

Vậy là, việc xác định đất để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân được xã Hạ Long đối chiếu sổ ghi chép tay, nhưng lại xảy ra “nghịch lý” trong sổ ghi chép được ghi là đất đấu thầu, xã không thể ký hợp đồng thuê đất với người dân. Bởi nếu xã yêu cầu người dân ký hợp đồng thuê đất, người đang sử dụng đất cho rằng đây là đất khai hoang (xã cũng đành chịu, bởi sổ chỉ ghi chép tay không có dấu). Chính vì vậy, xã Hạ Long hiện không có 1 mét vuông đất công và không có bất kỳ loại giấy tờ, sổ sách gì ghi chép (đủ cơ sở pháp lý) về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền, người dân từ thời điểm chia ruộng đất (năm 1996 đến năm 2007).

Phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Vân Đồn, nhưng qua nhiều lần liên hệ huyện vẫn báo bận chưa sắp xếp được lịch làm việc. 

Việc người dân phản ánh xã Hạ Long trong nhiều năm qua sai phạm nghiêm trọng đất đai, biến đất nông nghiệp, đất trồng cây, đất công thành đất ở đúng hay không? Trong khi đó, chính quyền xã hiện chỉ có sổ ghi chép tay về đất đai (tẩy xóa) và bản đồ giải thửa đều không có dấu.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vần Đồn - Quảng Ninh: Xã Hạ Long có “biến” đất công thành đất ở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO