Theo Tờ trình của Chính phủ, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 không làm giảm thu ngân sách do đang được thực hiện trên thực tế.
Chính phủ đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm
Tờ trình của Chính phủ cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp sáng 28/4. Ảnh: Quang Khánh |
Chính sách miễn, giảm thuế trên là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Do đó, lần này Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Bởi, vấn đề này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Với số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã bao gồm đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, do đó nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV).
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, việc thực hiện miễn thuế SDĐNN đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết 28/2016/QH14 của Quốc hội, trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp, tập đoàn đã góp phần áp dụng khoa học công nghệ và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: Quang Khánh |
Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép kéo dài nội dung quy định về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng đã được quy định trong trong giai đoạn trước, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách khẳng định, những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta là đúng đắn.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận).
Tại báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không cho thấy số lượng đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Để việc miễn thuế có tác động tích cực
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, số tiền thuế được miễn một năm cho khu vực đang chiếm 70% dân số của cả nước là không lớn, nhưng chính sách này vẫn rất quan trọng với tam nông.
Toàn cảnh Phiên họp sáng 28/4. Ảnh: Quang Khánh |
Nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế những lúc khó khăn nhất, ngay cả thời Covid- 19 vừa rồi, công nghiệp, dịch vụ đình trệ nhưng nông nghiệp vẫn sản xuất, công nhân mất việc tạm thời vẫn quay về mảnh vườn của mình.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần đánh giá thận trọng, không nên tràn lan, để việc miễn thuế có tác động tích cực, không dẫn đến lãng phí đất đai.
Thảo luận vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng báo cáo phải có đánh giá hai chiều chứ không chỉ thiên về mặt tích cực. Thực tế cử tri phản ánh đất nông nghiệp đang bỏ hoang rất nhiều, sản xuất nông nghiệp khó khăn. Do đó, không thể miễn tràn lan cho cả người sản xuất lẫn người bỏ hoang mà phải đánh giá rất kỹ để trình ra Quốc hội.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình trình Quốc hội việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên đất để hoang hoá thì không thuộc đối tượng được miễn thuế.