Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Tập trung vào đặc thù của ngành Dầu khí

Khôi Nguyên| 03/08/2022 14:44

Để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 (Tháng 10/2022), ngày 3/8, tại TP HCM, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và một số cơ quan hữu quan, doanh nghiệp về dự án Luật này.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đồng chí Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; cùng các đồng chí trong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, đại biểu Quốc hội một số tỉnh.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có đồng chí Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Trần Bình Minh – Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; đồng chí Trần Quang Dũng – Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn.

f18379257459cd83a4cde61d41850945.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau gần 30 năm hoạt động, Luật Dầu khí đã trải qua 3 lần sửa đổi. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã có 90 ý kiến của các đại biểu quốc hội tham gia thảo luận tại tổ, 23 ý kiến tham gia thảo luận tại nghị trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương) và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Hội thảo lần này nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để tiếp thục hoàn chỉnh, trình Quốc hội để khi ban hành Luật đi vào thực tế, giải quyết vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí.

71e9e419a1378ab564b7e4148957c451.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, đồng chí Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trao đổi lại một số nội dung trong những phiên thảo luận trước đó, đồng thời trình bày sơ lược dự thảo mới nhất Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 29/7/2022, nhấn mạnh những điểm mới trong dự thảo như: Xây dựng thêm cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí; tăng cường phân cấp phân quyền; áp dụng Luật Dầu khí và các Luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật; bổ sung thêm trách nhiệm về giám sát, kiểm tra của các Bộ, ngành liên quan…

Có 13 ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí và đánh giá cao dự thảo Luật mới nhất đã cơ bản tích hợp được các ý kiến, đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Các đại biểu cũng thảo luận, góp ý điều chỉnh một số nội dung nhằm tiếp tục cụ thể hóa, làm rõ hơn, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật, như: Phạm vi điều chỉnh, ưu đãi đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù, chính sách tận thu, dự án chuỗi trong dầu khí, sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí, phân cấp phân quyền, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, vấn đề quốc phòng, an ninh,…

Tiếp thu, trao đổi với các đại biểu, đồng chí Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào những đặc thù của Dầu khí là lĩnh vực thượng nguồn và chuỗi, không thể ôm đồm, bao hàm tất cả các lĩnh vực trong ngành Dầu khí. Về phân cấp, phân quyền trong trường hợp đặc biệt là với Petrovietnam, đồng chí Đặng Hoàng An nhấn mạnh, bản chất của việc này là giao đầy đủ quyền và nghĩa vụ, đi kèm với trách nhiệm liên quan, đồng thời với kiểm tra, giám sát.

b530455fb1230417e26d8c92694baeb6.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là một luật chuyên ngành khó, muốn đi sâu cần phải có sự nghiên cứu kỹ, đặc biệt là có ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý trực tiếp, những doanh nghiệp làm trong ngành Dầu khí.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là một luật chuyên ngành khó, muốn đi sâu cần phải có sự nghiên cứu kỹ, đặc biệt là có ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý trực tiếp, những doanh nghiệp làm trong ngành Dầu khí. Đồng chí đánh giá các cao các bước tiếp thu, chỉnh lý trước đó và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo; đề nghị Ủy ban Kinh tế, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu, lấy ý kiến, đặc biệt là của các chuyên gia, viện nghiên cứu,… để giải quyết ổn thỏa tất cả các vướng mắc, khẩn trương hoàn hiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục nâng cao chất lượng dự thảo Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ và trình ra Quốc hội xem xét thông qua.

Trước đó, ngày 2/8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Luật Dầu khí sửa đổi. Các Đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận vào 8 nội dung sửa đổi chính trong Luật gồm: Áp dụng Luật Dầu khí và các luật liên quan; đối tượng, chính sách ưu đãi, chính sách khai thác tận thu dầu khí; đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn và tiếp nhận mỏ, khu mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển dầu khí có hàm lượng công trình ở trên đất liền; lập thẩm định kế hoạch, đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sâu các mỏ dầu khí đầu tư xây dựng trên đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Tập trung vào đặc thù của ngành Dầu khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO