Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội lắng nghe góp ý Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

09/04/2018 11:51

(TN&MT) - Sáng 9/4 tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ.

0904 Các vị Chủ trì
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà chủ trì Hội thảo sáng 9/4. Ảnh: Việt Hùng

Chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà.

Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội: Lê Quang Huy, Lê Hồng Tịnh, Trần Văn Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng; Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cùng đại diện một số Ủy ban, Hội đồng của Quốc hội, đại diện các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính… cùng đại diện một số Sở TN&MT, một số doanh nghiệp, các chuyên gia và các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

0904 CN Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Hùng

Trước đó, vào sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 65 điều thể hiện trong 9 chương. Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV đưa ra xem xét, thảo luận tổ và thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11/2017.

Tại Hội thảo diễn ra sáng 9/4, đã có 13 ý kiến của các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cũng như Hội Trắc địa và đo đạc bản đồ, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam góp ý cho Dự thảo Luật.
 

0904 Hội thảo 3
Các vị chủ trì lắng nghe ý kiến của Nhà khoa học phát biểu góp ý vào dự thảo Luật. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu thống nhất với bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung hoạt động khoa học và công nghệ về đo đạc và bản đồ (Điều 7); hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia (Điều 11); Đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 29); “thông tin dữ liệu, sản phẩm Đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, quốc gia”, xã hội hóa công tác Đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ... Đồng thời các đại biểu đều mong muốn Quốc hội sớm xem xét, thông qua để đưa Luật Đo đạc và Bản đồ vào thực tiễn.

Toàn cảnh
Toàn cảnh Hội thảo sáng 9/4 tại Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt các vị chủ trì, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu. Ông Phan Xuân Dũng đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu một cách đầy đủ, chi tiết nhất các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

    

Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 65 điều thể hiện trong 9 chương. Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV đưa ra xem xét, thảo luận tổ và thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11/2017. Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc nêu trên, dự thảo Luật đã tập trung thể chế hóa các chính sách như:

Thứ nhất, Xây dựng, phát triển hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia tiên tiến, đồng bộ, hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; tạo nền tảng cơ bản để tăng cường triển khai ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ.

Thứ ba, Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao dân trí.

Thứ tư, Xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đây là nội dung hoàn toàn mới phục vụ cho Chính phủ điện tử, quản lý xã hội thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức triển khai và thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội lắng nghe góp ý Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO