Sáng 13/1, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 lĩnh vực tài nguyên nước.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước.
Phát biểu điều hành hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh lĩnh vực tài nguyên nước có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Tại hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị quản lý tài nguyên nước cũng như lãnh đạo các đơn vị liên quan cần chỉ ra những vướng mắc trong việc xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp, đưa ra những nhiệm vụ ưu tiên để từ đó lãnh đạo Bộ có phương hướng chỉ đạo và tháo gỡ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thanh đã chủ trì Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của lĩnh vực Tài nguyên nước. |
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 - 2025
Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, hệ thống quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 45 văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Trong đó, hoàn thiện 11 quy trình vận hành liên hồ chứa góp phần giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho mùa cạn; ban hành chính sách hạn chế khai thác nước dưới đất, từng bước đã giúp phục hồi nguồn nước. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ TN&MT đưa ra phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất...
Thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng và hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án kiểm kê tài nguyên nước Quốc gia.
Đẩy mạnh tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách đã được ban hành, trong đó chú trọng các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; công bố danh mục nguồn nước nội tỉnh; khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; dòng chảy tối thiểu trên các sông suối,...
Hoàn thiện, vận hành có hiệu quả hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện.... tự động, trực tuyến.
Phối hợp với Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, trong đó chú trọng việc xác định, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước các lưu vực sông chính. Phối hợp với Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam và các đơn vị trong Bộ trong công tác khắc phục, hạn chế suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Xây dựng và hoàn thành Cơ sử dữ liệu dùng chung về thủy văn, môi trường nước và tài nguyên nước.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó: Nghiên cứu, thúc đẩy cơ chế chia sẻ, giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước xuyên biên giới theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế…
Xây dựng thể chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần của xã hội tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng phát triển nguồn tài nguyên nước. Xây dựng chính sách nhằm tăng giá trị nguồn thu từ nước và tái đầu tư cho việc bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Tăng cường công tác hậu kiểm, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông.
Xây dựng, hoàn thiện quy trình chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Xây dựng, hoàn thiện các bộ công cụ mô hình toán bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất cho toàn bộ các lưu vực sông lớn, quan trọng để phục vụ cho công tác quy hoạch, điều tra, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước.
Ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước báo cáo một số kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2021 |
Tập trung xây dựng, phát triển lĩnh vực tài nguyên nước làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT thảo luận về các nhiệm vụ chuyên môn quản lý nhà nước có chung mục tiêu như vấn đề liên quan giữa tài nguyên nước với tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường nguồn nước, dự báo khí tượng thuỷ văn, cơ sở dữ liệu của ngành, an ninh nguồn nước, hợp tác quốc tế, cũng như là xây dựng quy hoạch tổng thể của ngành, từ đó cùng nhau đưa ra cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đồng bộ hóa dữ liệu, số liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, quan trắc nước ngầm, nước mặt và chất lượng nước. Chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án phân bổ và sử dụng vốn đầu tư cho việc thực hiện 14 Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh và điều tra cơ bản (là các quy hoạch kỹ thuật có tính chất chuyên ngành)...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các đơn vị trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần lắng nghe đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Bộ trưởng yêu cầu trong công tác xây dựng quy hoạch cần có sự điều tra, tính toán cụ thể, thống nhất với các quy hoạch ngành trong các lĩnh vực khác trong bộ để từ đó phân bổ hợp lý, phát huy các nguồn lực tài nguyên trong tầm nhìn dài hạn, đảm bảo không gian sinh tồn, sinh thái và không gian phát triển, tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của lĩnh vực tài nguyên nước. |
Trong nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, Bộ trưởng đề nghị lĩnh vực tài nguyên nước cần tận dụng khoa học công nghệ hiện đại như viễn thám, ra đa, trí tuệ nhân tạo đồng thời tích hợp các dữ liệu cơ sở các lĩnh vực trong ngành để từ đó hiết lập nền tảng cho quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước hiện đại thông qua quan trắc, giám sát bằng các công nghệ tự động; xây dựng các khung pháp lý để đưa ra các giải pháp xã hội hoá từ đó thu thập được đa dạng nguồn số liệu.
Toàn cảnh Hội nghị |
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an ninh nguồn nước, Bộ trưởng đề nghị phải xây dựng được các chính sách trong việc phát triển nguồn nước, xử lý ô nhiễm nguồn nước, xác định trách nhiệm các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vì an ninh nguồn nước là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị tài nguyên nước cần phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ, đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế để cùng nhau trao đổi, thoả thuận chia sẻ thông tin về nguồn nước, hợp tác, khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng đề nghị các Vụ chức năng của Bộ cần tham mưu, xây dựng khung chương trình, phân công nhiệm vụ khoa học hợp lý, bố trí nguồn lực tài chính để thực nhiệm các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần đánh giá lại hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước để xem xét tính bền vững trong việc này tránh lãng phí, ô nhiễm nguồn nước; Tiếp tục triển khai các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ điều tra, cung cấp nguồn nước cho các vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khô hạn và đảm bảo bảo các giải pháp cung cấp nguồn nước cho các vùng này một cách tối ưu.
Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các nhiệm vụ để ra phải phù hợp với năng lực thực hiện, cân đối với nguồn lực tài chính và mang tính khả thi cao. Phải bảo đảm tính toàn diện hệ thống, xác định nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu theo thứ tự ưu tiên để thực hiện.