Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss và Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2020 – Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã đồng chủ trì cuộc họp. Sự kiện có sự tham dự của các Bộ trưởng kinh tế và lãnh đạo từ mười quốc gia thành viên ASEAN cũng như Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi.
Bộ trưởng kinh tế và lãnh đạo từ mười quốc gia thành viên ASEAN cùng tham gia đối thoại |
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tái khẳng định cam kết của Vương quốc Anh trong việc tăng cường hợp tác thương mại với ASEAN thông qua đổi mới công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và tăng cường chuỗi cung ứng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, phía Vương quốc Anh mong muốn có thể tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác với khu vực ASEAN, tiếp nối mối quan hệ đối tác trong hơn 40 năm qua.
"Cuộc khủng hoảng hiện nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng hơn bao giờ hết của sự hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp cho những thách thức toàn cầu", ngài Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi về tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và các bài học kinh nghiệm để phát triển khả năng phục hồi trong tương lai, Vương quốc Anh cam kết sẽ làm việc với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Nam Á (ERIA) để nghiên cứu giúp tăng cường các chuỗi cung ứng của Anh-ASEAN, nhằm hiểu rõ hơn về khả năng phục hồi và xác định các giải pháp tăng cường các chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tham dự từ điểm cầu trực tuyến tại Vương quốc Anh |
Vương quốc Anh và ASEAN nhất trí rằng tình hình kinh tế hiện tại là cơ hội để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn và bền vững hơn, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trước Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào năm tới. Bộ trưởng Truss nhấn mạnh, các quốc gia có thể tận dụng những cơ hội này để áp dụng kinh tế các-bon thấp nhằm ứng phó với COVID-19. Bộ trưởng khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và các phương pháp tiếp cận để kích thích tăng trưởng xanh như một phần của các kế hoạch phục hồi kinh tế rộng lớn hơn.
Vương quốc Anh đề nghị hợp tác nhiều hơn nữa với khu vực ASEAN trong các kế hoạch khai thác các cơ hội tăng trưởng các-bon thấp và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và lâu dài nhằm thúc đẩy kết nối trong khu vực, phù hợp với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025.
Sẽ có các hỗ trợ kỹ thuật để phát triển hệ thống tài chính xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn khu vực ASEAN, bao gồm thông qua Chương trình Năng lượng Carbon thấp của Quỹ Thịnh vượng với nguồn tài trợ 15 triệu bảng Anh và Quỹ Thách thức Phục hồi Xanh toàn cầu với quy mô 12 triệu bảng Anh.
Bên cạnh việc trao đổi về phục hồi sau COVID-19, Vương quốc Anh cũng đề xuất các lĩnh vực hợp tác kinh tế Anh - ASEAN trong tương lai, bao gồm cả việc tăng cường đổi mới công nghệ để giúp các doanh nghiệp trong khu vực tìm được chỗ đứng trong nền kinh tế số đang phát triển.
Điểm cầu chính đặt tại Hà Nội, Việt Nam |
Ông Natalie Black, Cao uỷ Thương mại Vương quốc Anh tại Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Thế giới sau COVID-19 sẽ là một thế giới được dẫn dắt bởi việc áp dụng kỹ thuật số nhanh chóng và ASEAN là trung tâm của xu hướng chuyển đổi lối sống và phương thức kinh doanh này. Đối thoại đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa Anh và ASEAN về đổi mới và thương mại, và chúng tôi hy vọng sẽ cùng ASEAN tiếp tục trao đổi và nuôi dưỡng những ý tưởng mới có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) để phát triển một lộ trình kết nối thương mại số của khối tư nhân, bổ sung cho chương trình Cơ chế một cửa ASEAN có thể dẫn đến thương mại thuận lợi hơn trong ASEAN.
Sau buổi đối thoại, hai bên đã ra Tuyên bố chung Đối thoại trực tuyến về hợp tác phát triển kinh tế giữa ASEAN và Vương quốc Anh.