Tại Hội nghị này, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Vũ Trường Sơn đã có bài trình bày về “Định hướng nghiên cứu địa chất biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để xây dựng tầm nhìn nghiên cứu khoa học biển, Phó Tổng Cục trưởng Vũ Trường Sơn khẳng định, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo pháp lý hóa việc nghiên cứu khoa học tài nguyên môi trường biển, đây là cơ sở quan trọng để hoạch định định hướng nghiên cứu khoa học địa chất biển trong tương lai. Thông qua 5 Điều (từ Điều 17 - Điều 21), trong đó, quy định “Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trong đó, tài nguyên môi trường biển là đối tượng chung để đề ra các định hướng mang tính pháp lý nhằm triển khai xây dựng các đề tài, các chương trình khoa học và công nghệ bao gồm có nghiên cứu địa chất biển đáp ứng tiêu chí: “Nghiên cứu địa chất khoáng sản biển làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế quản lý tổng hợp, định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản biển, làm sáng tỏ các kết quả điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phải phục vụ nhiều ngành, lĩnh vực với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nhà khoa học”.
Luật này một lần nữa pháp lý hóa Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 với 3 Điều quy định việc Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quy định này đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để nước ngoài nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức của Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học trên thế giới tiến hành nghiên cứu - công bố các nghiên cứu về địa chất biển nói riêng cũng như tài nguyên môi trường biển nói chung góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Tăng cường điều tra nghiên cứu ở vùng biển sâu nhằm giải quyết các vấn đề địa chất mang tính chất toàn khu vực Biển Đông. Ảnh: MH |
Bên cạnh đó, một Nghị quyết vô cùng quan trọng đã nêu định hướng cho chuyên ngành định khoáng khoa học địa chất biển đó là Nghị quyết 36-NQ/TW định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 .
Theo thứ tự ưu tiên tại Nghị quyết liên quan trực tiếp tới định hướng nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, Nghị quyết nêu rõ: Đối với phát triển du lịch và dịch vụ biển, cần tập trung nghiên cứu, đánh giá các giá trị bảo tồn, khu vực địa chất, địa mạo kỳ thú để phục vụ thám hiểm khoa học; đối với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, cần thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng Hydrocarbon phi truyền thống; thăm dò dầu khí với điều tra tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, có ý nghĩa chiến lược.
Trên cơ sở hệ thống pháp lý cũng như kế thừa các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đã có, TS. Vũ Trường Sơn đã đưa ra những kiến nghị cơ bản về định hướng nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển đến năm 2030. Đó là ở khu vực biển nông: Kế thừa các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đã có, nghiên cứu, khảo sát bổ sung thêm số liệu liệu để làm rõ được các quy luật, cơ chế xói lở, bồi tụ đới bờ, nguồn gốc, môi trường thành tạo khoáng sản biển, dự báo các nguy cơ tai biến do các nguyên nhân liên quan đến điều kiện địa chất, địa mạo, phục vụ quy hoạch, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Giải quyết các vấn đề cụ thể: xói lở, bồi tụ đới bờ, nguồn gốc… Đưa ra được giải pháp để khắc phục. Đánh giá các giá trị về cảnh quan địa chất để thành lập công viên địa chất, khu bảo tồn, di sản địa chất, các khu vực có các điều kiện địa chất, địa mạo kỳ thú để phục vụ phát triển các loại hình du lịch mới.
Ở vùng biển sâu, tập trung nghiên cứu các bể trầm tích mới, các dạng Hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu. Đồng thời, làm rõ nguồn gốc hình thành GH, dự báo triển vọng khoáng sản biển sâu.
Giai đoạn từ năm 2030 - 2045, tiếp tục tăng cường điều tra nghiên cứu ở vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, các khu vực còn thiếu dữ liệu, mẫu vật nhằm giải quyết các vấn đề địa chất mang tính chất toàn khu vực Biển Đông. Đặc biệt, ưu tiên tính phát hiện và định hướng cho nghiên cứu các loại hình khoáng sản biển sâu. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai chương trình nghiên cứu vùng biển sâu: khoáng sản ở Biển Đông Việt Nam và tham gia nghiên cứu các vùng biển quốc tế khác.
Để làm được điều này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng cục với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề tài nhằm chia sẻ thông tin, dữ liệu; sử dụng không gian, chia sẻ tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước để tiếp nhận, chuyển giao, đồng thời, tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt, các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý Nhà nước có trình độ cao. Mở rộng quy mô hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu địa chất khoáng sản biển nhằm nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các sản phẩm được tạo ra, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ biển đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển phối hợp xây dựng các Dự án, trong đó, có cả các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình nghiên cứu trong điều tra cơ bản.