Bài 1: Doanh nghiệp “lãi khủng”, địa phương gánh hệ lụy
Để triển khai một dự án thủy điện nhỏ, doanh nghiệp chỉ bỏ ra khoảng vài trăm tỷ đồng; trong đó vốn vay tín dụng đã chiếm đến 70 - 80% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, địa phương thu hút một dự án thủy điện phải mất rất nhiều.
“Một vốn bốn lời”
Thời gian qua, trên rất nhiều diễn đàn, những hệ lụy được báo trước của việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi đã được thảo luận rất gay gắt. Những kiến nghị cắt giảm, hoặc cho dừng các dự án quá nhỏ đã được đưa ra. Nhưng vẫn chỉ là “nước đổ lá khoai” bởi việc đầu tư thủy điện nhỏ đem lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp; còn với nhiều địa phương miền núi có lẽ vì quá ‘khát” dòng vốn đầu tư nên vẫn cho phép triển khai.
Lấy dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Bạch Đằng ở huyện Hòa An (Cao Bằng) làm dẫn chứng. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) có trụ sở ở huyện xã Thách Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu (theo Quyết định 2251/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh Cao Bằng), tổng mức đầu tư của dự án là hơn 200 tỷ đồng. Ngày 10/9/2018, tỉnh Cao Bằng có Quyết định 1208/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án này. Theo đó, tổng vốn đầu tư giảm xuống, chỉ còn gần 176 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư chỉ có hơn 50,9 tỷ đồng; còn lại 125 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng.
Theo thiết kế (điều chỉnh tại Quyết định 1208/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng) thì Nhà máy thủy điện Bạch Đằng có công suất 5MW, điện lượng bình quân năm là hơn 17,03 triệu kWh. Công trình được cho phép khởi công bắt đầu từ quý III/2018, từ quý IV/2020 đi vào sản xuất.
Chiếu theo Quyết định số 281/QĐ-BCT ngày 12/2/2019 của Bộ Công Thương, mức trần của khung giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh. Khi Nhà máy thủy điện Bạch Đằng đi vào sản xuất (dự kiến quý IV/2020), với điện lượng hơn 17,03 triệu kWh thì bình quân mỗi năm chủ đầu tư thu về gần 1,9 tỷ đồng/năm.
Như vậy, chỉ cần chưa đầy 30 năm, chủ đầu tư đã lấy đủ số vốn ban đầu bỏ ra (tức hơn 50,9 tỷ đồng, chưa tính vốn tín dụng). Trong khi đó, dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng có thời hạn hoạt động năm 50 năm, tính từ ngày 25/11/2016 theo Quyết định 2251/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng. Đó là chưa tính đến yếu tố, mức trần khung giá mua bán điện hằng năm đều tăng (như năm 2017 “kịch trần” là 652 đồng/kWh, đến năm 2019 đã tăng lên 1.110 đồng/kWh).
Địa phương được lợi ích gì?
Những chỉ số nêu trên chưa phản ánh hết những lợi nhuận của chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ. Bởi để thu hút doanh nghiệp đầu tư một dự án thủy điện nhỏ thì nhiều địa phương miền núi phải “trải thảm đỏ” với vô số những chính sách ưu đãi đi kèm.
Như dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng do Công ty Thăng Long đầu tư, mặc dù chỉ có công suất 5MW nhưng chủ đầu tư cũng đã được ưu đãi nhiều chính sách về thuế, phí. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, tỉnh Cao Bằng cho doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước 50 năm, nhưng trong 15 năm đầu (tính từ năm 2016) không thu được đồng tiền thuế nào; đến năm 2031 thì tỉnh Cao Bằng mới thu được tiền thuê đất, thuê mặt nước từ chủ đầu tư.
Không những vậy, trong 15 năm đầu, chủ đầu tư được miễn 10% thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án.
Nhưng “cái mất” lớn nhất mà tỉnh Cao Bằng, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vùng dự án đang thiếu đất sản xuất là diện tích đất rừng thu hồi để giao cho doanh nghiệp xây dựng Nhà máy thủy điện Bạch Đằng. Ban đầu, doanh nghiệp được giao 43,5ha ở xã Bạch Đằng theo Quyết định 2251/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh Cao Bằng. Sau khi được điều chỉnh theo Quyết định 1208/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 thì diện tích giao cho dự án tăng lên thành 46,96ha (trong khi tổng vốn đầu tư giảm xuống).
Như vậy, gần 47 héc ta đất rừng sẽ bị “nhấn chìm” để xây dựng một công trình thủy điện chỉ có công suất thiết kế mà phải qua điều chỉnh lần 2 mới đạt... 5 MW. Trong khi đó, theo thống kê, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 962 hộ thiếu đất ở, 3.666 hộ thiếu đất sản xuất. Việc giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho các hộ này chắc chắn sẽ là bài toán khó bởi hiện tỉnh Cao Bằng có hàng chục dự án thủy điện nhỏ đã được cấp phép đầu tư hoặc đang thực hiện khảo sát, nghiên cứu.
Riêng với Công ty Thăng Long, ngoài dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng thì đơn vị này cũng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, rà soát để đầu tư 5 dự án thủy điện nhỏ khác (dự án thủy điện Hồng Nam ở huyện Hòa An; thủy điện Bản Chiếu ở huyện Nguyên Bình; thủy điện Bản Ngà, thủy điện Khuổi Ru, thủy điện Bản Riển ở huyện Bảo Lạc).
“Mất nhiều hơn được” nhưng UBND tỉnh Cao Bằng vẫn đồng ý chủ trương triển khai nhiều dự án thủy điện nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư, với những lợi nhuận có được từ các dự án nên ráo riết triển khai, thậm chí không đủ năng lực thi công các dự án thủy điện nhưng vẫn tìm cách có được dự án. Ở một số dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, dư luận còn đặt nghi vấn liệu có hay không sự “chống lưng” cho doanh nghiệp?.