Công nhân URENCO luôn hăng say làm việc vì Thủ đô thân yêu |
1 - Những ngày này, vì lý do khách quan của diễn biến dịch bệnh Covid19 nên mặc dù không có Lễ Kỷ niệm trọng thể, các thế hệ “người URENCO” đều bồi hồi xúc động và tự hào nhớ về những dấu mốc quan trọng trong chặng được 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngôi nhà chung Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo URENCO đương nhiệm không dấu nổi niềm tự hào khi ôn lại truyền thống công ty trong suốt hành trình 60 năm qua. Đó là việc các thế hệ người URENCO đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từng bước xây dựng và trưởng thành để có được cơ ngơi, để có được truyền thống như ngày nay.
“Ôn cố tri tân”, người URENCO nhắc đến cụ Năm Diệm như “ông tổ” của nghề thu gom rác của Thủ đô Hà Nội. Làm nghề thu gom rác không biết từ khi nào nhưng sau khi Giải phóng Thủ đô vào năm 1954, cụ Năm Diệm đã thành lập Hợp tác xã để thực hiện công việc thu góm rác, thu gom chất thải ở các nhà vệ sinh tại khu vực phố cổ Hà Nội. Công việc của những người lao công quét được ở HTX của cụ Năm Diệm đã giúp chính quyền lâm thời non trẻ của Thủ đô những năm 1954 - 1955 yên tâm về công tác vệ sinh phố phường.
Phương tiện máy móc của URENCO ngày càng hiện đại |
Còn trong phòng truyền thống của URENCO, những cái tên trang trọng được lưu giữ và nhắc đến là các thế hệ lãnh đạo như các đồng chí: Dương Trung Đích, Hà Duy Tiên, Nguyễn Văn Long, Ngô Vi Cường, Nghiêm Xuân Đạt, Chử Văn Chừng… là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng lên ngôi nhà chung URENCO.
Từ ngày đầu thành lập đến những năm đầu của thập niên 1990, URENCO gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Hành trang của người công nhân vệ sinh môi trường chỉ là “quần thâm, áo vá, chổi tre và những chiếc xe bò kéo”. Vượt qua khó khăn đó, người công nhân URENCO vẫn cần mẫn bất kể ngày đêm, vẫn vượt lên mọi khắc nghiệt của thời tiết, của hoàn cảnh để giữ gìn vẻ sạch đẹp cho phố phường Hà Nội.
Tiếp sau thế hệ đó, lớp người URENCO kế tiếp như các anh: Nguyễn Văn Hòa, Phạm Ngọc Hải, Lê Anh Tuấn, Đinh Đăng Minh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Xuân Huynh, Phạm Văn Đức, Vũ Cường… và rất nhiều những cái tên mà trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi chưa có điều kiện kể hết đã không ngừng đoàn kết sáng tạo, thường xuyên động viên, khích lệ nhau thi đua học tập, lao động, sáng tạo, phấn đấu và rèn luyện để vươn lên, để đưa URENCO trở thành con chim đầu đàn của ngành vệ sinh môi trường không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước mà Bảng vàng hàng trăm Huân, Huy chương, Cờ Thi đua, Bằng khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành, của Thành phố Hà Nội, các tỉnh thành và đặc biệt là Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004) đã nói lên cố gắng của các thế hệ người URENCO.
Tự động hóa khiến URENCO ngày càng đáp ứng công việc được giao một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất |
2 . Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường: Trong truyền thống đó, đâu là “hồn cốt” của người URENCO? - Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn URENCO Phạm Văn Đức cho biết: Đó là dòng máu URENCO luôn chảy trong huyết quản mỗi cán bộ, công nhân môi trường nơi đây.
Dòng máu đó không chỉ là câu chuyện của những gia đình có hai đến ba thế hệ người lao động làm việc nơi này. Mà dòng quyết quả đó còn là câu chuyện của người URENCO yêu rác, yêu công việc. Và đặc biệt dòng máu URENCO được thể hiện ở tinh thần đoàn kết vượt khó mỗi khi Công ty rơi vào cảnh khó khăn như những ngày Thủ đô Hà Nội tắc rác, như mỗi khi có công nhân gặp rủi ro trong giờ làm việc khi phải trực tiếp quét đường, trực tiếp thu gom rác thải ngoài đường.
Là người URENCO không ai không nhớ những câu chuyện cảm động mỗi khi Hà Nội tắc rác ở các bãi Tây Mỗ, Kiêu Kỵ trước đây và Nam Sơn trong những năm gần đây. Mỗi khi ấy, 100% cán bộ, kể cả những người điều hành, những người lao động gián tiếp đều lao ra đường để căng sức “ém rác” giữ nhịp sống bình thường của Thủ đô. Những ngày ấy, hầu hết người dân Thủ đô chỉ biết ngao ngán lắc đầu trước cảnh Hà Nội ùn tắc rác thải vài giờ trên nhiều tuyến phố.
Họ đâu biết, để “giấu”, để “ém” không cho số lượng rác khổng lồ đó lộ thiên trên các phố phường, toàn bộ người URENCO khi ít là vài ngày, lúc nhiều là cả tuần chỉ có bánh mỳ cầm hơi hoặc xuất cơm hộp nuốt vội để ém từng xe rác, dấu từng mùi hôi và nhanh chóng cùng cơ quan chức năng cho bãi rác hoạt động trở lại.
Hay mỗi khi cán bộ, công nhân viên đặc biệt URENCO ốm đau, bị tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo thì tinh thần đoàn kết lại càng được thể hiện. Không chỉ người URENCO mà nhiều người dân Thủ đô đều nhớ vào đêm 22/4/2019, chị Lê Thị Thu Hà, sinh năm 1977, công nhân URENCO 4 đang làm việc trên đường Láng thì bị tai nạn để lại 2 người con đang tuổi ăn học.
Cùng với nhiều cơ quan đơn vị của Trung ương và Hà Nội, mỗi cán bộ, CNV URENCO đều dành một vài ngày lương, trích một vài trăm ngàn tiền thưởng để giúp gia đình chị phần nào vượt lên nỗi đau đó… Vậy điều gì làm cho họ vượt mọi khó khăn, điều gì làm cho hàng ngàn con người URENCO yêu thương nhau như anh em trong một gia đình như vậy nếu không phải là dòng máu truyền thống cần cù, truyền thống yêu nghề chảy trong dòng máu URENCO.
Phó Tổng giám đốc URENCO Phạm Văn Đức (bên trái) chia sẻ câu chuyện truyền thống Công ty với PV Báo Tài nguyên và Môi trường ngay trước thềm kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty |
Liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh
Trong giai đoạn 2020-2025, Urenco tập trung nguồn lực để hoàn thành 6 dự án trọng điểm: Đầu tư 50 xe máy, thiết bị để đảm bảo năng lực tham gia gói thầu 2021 – 2025 ; Dự án đầu tư khu Xử lý, tái chế chất thải giai đoạn II Nam Sơn; Dự án lò đốt chất thải công nghiệp 200 tấn/ngày tại Đại Đồng - Văn Lâm - Hưng Yên; Dự án Trạm xử lý phân bùn bể phốt Cầu Diễn công suất 500 tấn/ngày;
Dự án Khu xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại và nhà máy xử lý nước thải tại khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; Dự án Nâng công suất trạm XLNR Hòa Khánh - Đà Nẵng lên 10.000 m3/ ngày và dự án khu xử lý chất thải công nghiệp, y tế, nguy hại và tái chế tại Khánh Sơn, Đà Nẵng.
3 . Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, người URENCO hôm nay và ngày mai phải làm gì? Đó là câu hỏi, là bài toán mà từ Hội động thành viên và Ban Tổng Giám đốc đến từng cán bộ của Công ty, của các Chi nhánh URENCO luôn đặt ra, bàn thảo và có những giải đáp đúng đắn.
Lấy tinh thần từ “cuộc chuyển đổi về chất lượng nguồn nhân lực” của những năm 1992 đến 1995 khi lãnh đạo URENCO vận động và tạo mọi điều kiện để “cán bộ thì đi học Đại học, Cao học, Ngoại ngữ còn công nhân thì đi học văn hóa” nâng cao trình độ, chỉ vài năm, lần đầu tiên công ty vệ sinh môi trường có bộ phận đối ngoại, có hợp tác quốc tế để mở rộng kêu gọi đầu tư, kêu gọi hợp tác về công nghệ, về nguồn vốn… để công ty lớn mạnh, URENCO không ngừng đổi mới và hoàn thiện mình. Những năm gần đây, Hội đồng thành viên và Ban Tổng Giám đốc URENCO liên tục có những quyết sách đúng đắn để nâng tầm hoạt động của công ty theo đúng dòng chảy của thời kỳ công nghệ 4.0.
Đến URENCO hôm nay, cán bộ các cơ quan chức năng của các Bộ, Ngành, các tỉnh, thành phố nhất là lãnh đạo TP Hà Nội đều yên tâm khi chỉ cần ngồi tại Trung tâm Điều hành sản xuất ngay tại Trụ sở 282 đường Kim Mã đã có thể trực tiếp chứng kiến, trực tiếp kiểm soát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của từng điểm tập kết, từng chiếc xe trung chuyển, từng tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo công ty luôn tin tưởng sự đam mê trong nghề nghiệp và người URENCO đồng lòng hướng đến “Hệ sinh thái URENCO 4.0” trong sản xuất kinh doanh, trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Và tự hào đã có truyền thống 3 thế hệ cùng làm việc, URENCO luôn khuyến khích con em cán bộ công nhân viên tiếp tục nối nghiệp gia đình làm công tác vệ sinh môi trường. Urenco cũng thường xuyên tổ chức lớp quản trị cho thế hệ trẻ, đầu tư học tập, đào tạo để làm sao các thế hệ kế cận đủ năng lực, trí tuệ, đủ lòng yêu nghề đủ năng lực vượt qua các thách thức đưa Urenco thực sự trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của Thủ đô và cả nước.
Câu chuyện về URENCO không chỉ gói gọn trong một vài bài báo, trong khi thực hiện bài báo này, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường hiểu rằng, dòng máu URENCO, tinh thần URENCO đã được các thế hệ lãnh đạo URENCO truyền cho thế hệ hôm nay và tương lai. Nói như Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm Đặng Hữu Bình thì thế hệ 8X, 9X ở URENCO đã đang và sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và lòng yêu nghề, yêu rác để có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn mới để vươn lên. “Để đạt được điều này, người URENCO chúng tôi đã, đang và sẽ luôn không ngừng học hỏi, treo đổi, chia sẻ về nghiệp vụ, về đối ngoại, về kinh doanh và đặc biệt là các hoạt động quản lý theo công nghệ 4.0 để có thể tiếp nối truyền thống và góp sức vào sự phát triển chung của URENCO trong tương lai…” - ông Đặng Hữu Bình nói.
1 tỷ chai nhựa, 1 tỷ vỏ sữa tái chế
Urenco đã đặt ra một số mục tiêu chiến lược dài hạn cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tới. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động cung cấp các dịch vụ cho xã hội, ngoài thực hiện những nhiệm vụ chính trị vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
Với nội dung này, Urenco sẽ đẩy mạnh việc tái chế chất thải, đặc biệt là chương trình đẩy mạnh phân loại, tái chế chất thải nhựa, tái chế giấy thải và chương trình sữa học đường. Urenco phấn đấu trong vòng 5 đến 10 năm tới thu được 1 tỷ chai nhựa để tái chế và thu được 1 tỷ vỏ sữa học đường tái chế thành đồ có ích cho xã hội…