Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, phát triển kinh tế biển luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành. Trong đó, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung) được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được triển khai, đóng góp của các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép…). Kinh tế thuần biển, gồm khai thác và chế biến dầu khí trên biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển, tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%.
“Để có được những kết quả trên, ngành KH&CN đã đóng góp một phần không nhỏ. Đặc biệt các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong kinh tế biển khu vực Nam Trung bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.”- Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là vùng biển giàu san hô nhất trong biển Đông và đóng vai trò quyết định đối với đa dạng sinh học và nghề cá của các nước trong khu vực. Đây là nền tảng cho sự phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở vùng biển Nam Trung Bộ. Một đặc trưng khác của Nam Trung bộ là có đường bờ biển dài, uốn cong về phía biển với nhiều cảng nước sâu, tạo tiền đề phát triển kinh tế biển theo mô hình cảng - đô thị - biển. Đây cũng là nơi có triển vọng du lịch lớn, tập trung vào du lịch biển đảo, sinh thái. Ngoài ra, tiềm năng năng lượng gió biển và sóng biển cũng rất đáng kể.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển từ việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra các vùng chưa được phát huy đầy đủ; phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn.
Sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển; vùng ven biển với vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn chưa hiệu quả; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập. Khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Hội thảo là dịp để các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề về tiềm năng, lợi thế của biển đảo Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - một vùng có vị trí hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta. Đồng thời, đưa ra những giải pháp để KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng nói riêng cũng như cho Chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước.