Khoa học & Công nghệ

Ứng dụng công nghệ vi sinh trong bảo vệ môi trường, cải thiện sức khoẻ

Hoài Thu 21/09/2024 - 18:55

(TN&MT) - Ngày 21/9, tại Hà Nội, Viện Công nghệ và Sức khoẻ - Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Ommani tổ chức hội thảo Khoa học ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng tới việc cập nhật, sử dụng các tiến bộ khoa học để cải thiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong ngành cập nhật được những kinh nghiệm công nghệ y khoa mới, trao đổi, thảo luận về các ứng dụng tiềm năng của công nghệ vi sinh trong hoạt động chăm sóc sức khỏe.

img_0349.jpeg
TS. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe cho biết, trong thời gian qua, Viện là tổ chức khoa học và công nghệ được các doanh nghiệp, đơn vị tin tưởng hợp tác thông qua các dự án, đề tài nghiên cứu và phát triển những ứng dụng khoa học có tính thực tiễn cao, góp phần giải quyết các vấn đề sức khỏe cấp bách của xã hội.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ vi sinh, các chuyên gia và nhóm nghiên cứu trong Hội thảo đưa đến các đề tài, tham luận giúp chúng ta có một góc nhìn khoa học, khách quan về công nghệ vi sinh và các ứng dụng của công nghệ vi sinh trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ; cùng những giải pháp sáng tạo và hiệu quả dựa trên công nghệ vi sinh, với mong muốn không ngừng nâng cao sức khỏe cộng đồng…” - TS. Lê Hữu Thi nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện Nhóm nghiên cứu Khoa Kỹ thuật y học - Bộ môn Kỹ thuật xét nghiệm Y học - Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, TS. Bùi Huy Tùng cho rằng, sự đa dạng và tầm quan trọng của vi sinh vật trong tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của công nghệ vi sinh trong tương lai.

img_0347.jpeg
TS. Bùi Huy Tùng - Khoa Kỹ thuật y học - Bộ môn Kỹ thuật xét nghiệm Y học trình bày tham luận

Trong đó, công nghệ này giúp phát hiện kháng sinh; đưa công nghệ ADN tái tổ hợp ứng dụng trong y học, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường về việc: Cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, đa sạng sinh học, bảo vệ thực vật, sản xuất vật liệu sinh học, ứng dụng chất Ethanol sinh học sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho xăng dầu, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc và nhiên liệu hoá thạch,…

Từ việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vi sinh cho đến nay đã hỗ trợ giải quyết một số lĩnh vực về môi trường trong việc xử lý nước thải, chất thải rắn như vi sinh vật phân huỷ các chất hữu cơ, giảm thiểu các chất ô nhiễm, công nghệ ủ phân compost, tạo phân bón - giúp cải tạo đất, giảm chất thải chôn lấp; sản xuất nhiên liệu sinh học từ các nguyên liệu sinh khối như rơm rạ, bã múa, tảo,… sẽ tạo ra ethanol, biodiesel; khắc phục ô nhiễm môi trường trong việc xử lý các vấn đề tràn dầu, kim loại nặng, chất hữu cơ độc hại trong đất và nước,…

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ vi sinh không chỉ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, mà còn thân thiện với môi trường trong việc có thể tái tạo và có chi phí thấp trong sản xuất và ứng dụng.

Do đó, để phát triển công nghệ vi sinh trong tương lai, TS. Bùi Huy Tùng đề xuất một số giải pháp: Các Viện, Trung tâm nghiên cứu cần tập trung nghiên cứu tương tác giữa các vi sinh vật và môi trường sống, để có thể ứng dụng trong y học điều trị các bệnh liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột, da,…, ứng dụng trong nông nghiệp giúp cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi; đồng thời, xây dựng các mô hình dự đoán và phân tích dữ liệu tìm kiếm các hợp chất sinh học mới, thiết kế các quy trình sản xuất hiệu quả; khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ vi sinh thông qua việc hợp tác trong nước, quốc tế, giữa các nghiên cứu của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để ứng dụng vi sinh vật trong y học, TS. Bùi Huy Tùng đề cập đến việc sản xuất các chế phẩm sinh học giúp hình thành các loại vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, việc sản xuất các chế phẩm sinh học này vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến sự kháng thuốc của vi khuẩn; sự xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới,…

Vì vậy, TS. Bùi Huy Tùng đưa ra một số giải pháp giúp cho việc sản xuất các chế phẩm sinh học đạt hiệu quả như, cần chú trọng về cơ chế tác động và lợi ích của các chế phẩm sinh học đối với sức khoẻ; nghiên cứu công nghệ ADN tái tổ hợp và vai trò trong sản xuất các sản phẩm sinh học; ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất insulin, hormone tăng trưởng, interferon, men tiêu hoá,… hỗ trợ nhiều trong việc việc phòng được các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá, đường máu, các bệnh từ mẹ sang con, côn trùng truyền bệnh,… giúp nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

img_0348.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều tham luận, các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, chuyên gia sức khoẻ, bác sĩ,… về những nghiên cứu về ứng dụng tiềm năng của công nghệ vi sinh. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ Công bố Quyết định phê duyệt nội dung nghiên cứu khoa học cho Đề tài: “Đánh giá ứng dụng của công nghệ vi sinh có trong sản phẩm, thực phẩm bổ sung VitaGut”; và Lễ ký kết của Viện Công nghệ và Sức khoẻ với Công ty TNHH Ommani Việt Nam trong việc thoả thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ vi sinh trong bảo vệ môi trường, cải thiện sức khoẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO