Theo ThS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ nhiệm đề tài, trên cơ sở quy trình công nghệ ứng dụng GIS, viễn thám và phân tích cảnh quan thành lập bản đồ phân vùng ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước đã được đề xuất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sử dụng phần mềm ArcGIS, QGIS để xử lý ảnh viễn thám LandSat-7, LandSat-8, chiết xuất, thành lập các bản đồ, dữ liệu phục vụ xây dựng bản đồ hệ sinh thái đất ngập nước, các bản đồ phục phụ đánh giá mức độ ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước.
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã góp phần hỗ trợ Tổng cục Môi trường trong việc ban hành quy trình thành lập bản đồ phân vùng ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước; các đơn vị khác triển khai các dự án điều tra, đánh giá tình trạng xâm hại, phát hiện các nguyên nhân gây suy thoái vùng đất ngập nước, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ nhằm khắc phục tình trạng suy thoái các hệ sinh thái…
Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên |
Đặc biệt, đối với kinh tế - xã hội và môi trường, việc đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên bảo vệ, phục hồi theo từng mục tiêu cụ thể cũng như đề xuất được quy trình ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và phân tích cảnh quan thành lập bản đồ phân vùng ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước đã cung cấp cơ sở khoa học và phương pháp luận cho việc xác định mức độ cần ưu tiên bảo vệ, cần ưu tiên phục hồi của từng hệ sinh thái đất ngập nước.
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Bộ TN&MT có những nghiên cứu tiếp theo với sự tham gia nhiều hơn nữa của các chuyên gia về đa dạng sinh học, đặc biệt là các chuyên gia về cảnh quan học trước khi ban hành Bộ tiêu chính đánh giá mức độ ưu tiên bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước và Quy trình ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và phân tích cảnh quan thành lập bản đồ phân vùng ưu tiên bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước làm cơ sở cho việc đánh giá, xác định và quy hoạch các khu bảo tồn, vạch ra các kế hoạch hành động cho từng khu vực với mức độ ưu tiên phù hợp.