Thế giới

UNEP: Thời điểm khủng hoảng khí hậu đã đến

Mai Đan - Khánh Linh 26/10/2024 - 17:59

(TN&MT) - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo cho thấy, luợng khí thải nhà kính hàng năm đang ở mức cao nhất mọi thời đại và cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự gia tăng đột biến về nhiệt độ và tránh tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Khoảng cách Phát thải của Liên Hợp Quốc năm 2024, các quốc gia phải bắt đầu hạn chế khí thải ngay lập tức. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết: “Thời điểm khủng hoảng khí hậu đã đến. Chúng ta cần huy động toàn cầu ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy trước đây, bắt đầu ngay bây giờ trước khi có vòng cam kết khí hậu tiếp theo”.

image1170x530cropped-19-.jpg
Các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu

“Nếu không, mục tiêu hạn chế được sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C được đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ sớm bị phá sản và được thay thế bằng mục tiêu dưới 2 độ C”, bà Andersen cảnh báo.

Mục tiêu về khí hậu có thể “bốc hơi”

Được công bố tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) tại Cali, Colombia, báo cáo theo dõi khoảng cách giữa hướng phát thải toàn cầu với các cam kết hiện tại của các quốc gia và hướng phát thải cần đạt được để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và theo đuổi mục tiêu 1,5 độ C phù hợp với các mục tiêu về nhiệt độ được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Theo UNEP, các quốc gia phải cùng nhau cam kết cắt giảm 42% lượng khí thải nhà kính hàng năm vào năm 2030 và 57% vào năm 2035 trong các cam kết tiếp theo của Liên hợp quốc, được gọi là các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Liên hợp quốc cho biết, nếu không có những cam kết này và hành động nhanh chóng để hỗ trợ chúng, mục tiêu 1,5 độ C sẽ không còn nữa.

Những NDC này nêu rõ các bước để giảm phát thải và thích ứng với tác động của khí hậu - từ hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt - đảm bảo các khoản tiền cần thiết và cập nhật kế hoạch sau mỗi năm năm, lần tiếp theo là vào đầu năm 2025 trước các cuộc đàm phán về khí hậu COP30 tại Brazil.

Theo báo cáo, nếu không cắt giảm mạnh khí thải nhà kính, thế giới có thể phải đối mặt với mức nhiệt độ tăng thảm khốc là 3,1 độ C, xảy ra vào thời điểm các chính phủ không thực hiện đầy đủ các cam kết của mình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết khoảng cách phát thải không phải là một khái niệm trừu tượng. Trên thực tế, có mối liên hệ trực tiếp giữa việc gia tăng khí thải và các thảm họa khí hậu ngày càng thường xuyên và dữ dội. “Chúng ta đang lâm vào tình thế chênh vênh. Nếu các nhà lãnh đạo không thu hẹp khoảng cách phát thải, chúng ta sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu, trong đó những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phải hứng chịu nhiều nhất”, ông Guterres nhấn mạnh.

Công nghệ giá cả phải chăng và năng lượng sạch có thể giúp ích

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ khai mạc tại Baku, Azerbaijan vào tháng 11, và sự kiện này sẽ khởi động thời gian để các quốc gia đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới vào năm tới. Ông Guterres cho biết, các chính phủ đã đồng ý điều chỉnh các kế hoạch này theo hướng mục tiêu tăng 1,5 độ C.

Ông cho rằng, điều đó có nghĩa là họ phải giảm tất cả lượng khí thải nhà kính và bao phủ toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy tiến bộ trong mọi lĩnh vực, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế lớn nhất - các thành viên G20 chịu trách nhiệm cho khoảng 80% tổng lượng khí thải - dẫn đầu quá trình này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh vẫn còn hy vọng. "Báo cáo hôm nay cho thấy các công nghệ hiện có, giá cả phải chăng có thể đạt được mức giảm phát thải mà chúng ta cần đến năm 2030 và năm 2035 để đáp ứng giới hạn 1,5 độ C, nhưng chỉ khi có sự gia tăng tham vọng và hỗ trợ", ông nói.

Báo cáo cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc giảm phát thải lên tới 31 gigaton CO₂ vào năm 2030, tương đương với khoảng 52% lượng khí thải được báo cáo vào năm 2023 và 41 gigaton vào năm 2035, giúp đạt được mục tiêu 1,5 độ C cho cả 2 năm. UNEP đề xuất các giải pháp then chốt bao gồm đẩy mạnh triển khai năng lượng mặt trời và gió - có thể giảm 27% lượng khí thải vào năm 2030 và 38% vào năm 2035. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn nạn phá rừng cũng có thể cắt giảm thêm 20% lượng khí thải.

Ngoài ra, các chiến lược hiệu quả khác bao gồm tăng cường hiệu quả năng lượng và điện khí hóa các tòa nhà, giao thông và công nghiệp, cũng như cắt giảm khí thải mê-tan từ các cơ sở nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa ngay cả một phần nhỏ tiềm năng này cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chưa từng có và cách tiếp cận toàn diện từ các chính phủ, tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích kinh tế xã hội và môi trường.

Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Baku, nơi gần 200 quốc gia sẽ tham dự. Các nước có thời hạn đến tháng 2/2025 để nộp kế hoạch khí hậu quốc gia cập nhật. UNEP nhấn mạnh, mỗi năm nếu các quốc gia không cắt giảm được lượng khí thải thì cần phải có những biện pháp cắt giảm mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo Tổng hợp từ UN News & Financial Times
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UNEP: Thời điểm khủng hoảng khí hậu đã đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO