Những con đường này sẽ kết nối 17 thôn của các xã Na Khê, Lao Và Chải, Đông Minh, Hữu Vinh, Ngam La và Du Già với huyện Yên Minh và các xã Lũng Táo, Sính Lủng với huyện Đồng Văn.
Lễ cắt băng bàn giao đường giao thông nông thôn mới |
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, 19 tuyến đường được xây dựng thông qua dự án này sẽ hỗ trợ 8.000 người dân tộc thiểu số ở miền núi, bao gồm phụ nữ, người già và trẻ em, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế, thị trường và việc làm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Việc xây đường giao thông giữa các khu vực khó đi lại trong vùng là một trong những hạng mục tài trợ và hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Nhật Bản. Hai bên còn hỗ trợ hơn 1.200 người dân tộc thiểu số nghèo có thu nhập sau khi sinh kế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài những hỗ trợ của Nhật Bản, UNDP còn huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác từ Quỹ tín thác đa biên (MPTF) để trợ giúp khẩn cấp cho 600 thành viên hợp tác xã dệt vải lanh ở Hà Giang khi các hợp tác xã này bị đóng cửa do COVID-19, trong đó mỗi người nhận 2,3 triệu đồng và các bộ dụng cụ bảo vệ cá nhân để phòng chống dịch.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đến thăm một gia đình nhận được hỗ trợ |
“Đây là một gói hỗ trợ rất hữu ích đối với những người rất nghèo bị mất việc làm do đại dịch COVID-19. Chúng tôi cũng đã tư vấn và hỗ trợ cho những phụ nữ nhận được hỗ trợ này về cách sử dụng hiệu quả hơn số tiền, chẳng hạn như mua cây giống, con giống và những thứ tương tự khác” bà Chu Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết.
“Chúng tôi rất vui mừng khi nhận sự trợ giúp quý báu này và cảm ơn các nhà tài trợ, chính quyền địa phương, hội phụ nữ. Chúng tôi xin cảm ơn dự án đã mang lại cho chúng tôi con đường đi thuận tiện và hỗ trợ thu nhập cho bà con”, ông Phàn A Chẩu, trưởng thôn Nà Ngù, xã Ngam La, huyện Yên Minh đại diện cho các hộ dân hưởng lợi nói.
Các đại biểu tham gia trồng cây tại buổi lễ |
Đánh giá nhạy cảm về giới của UNDP đối với các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam cho thấy các hộ gia đình dễ bị tổn thương đã bị tác động không đồng đều, đặc biệt là các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và phi chính thức. Thu nhập từ nông nghiệp và hoạt động du lịch đã giảm đáng kể do đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại, làm trầm trọng thêm các điều kiện vốn đã đầy thách thức mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang phải đối mặt.