(TN&MT) - Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê, ngày 5/6, tại Nghệ An, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ và Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu Bộ NN&PTNT: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và một số đơn vị liên quan; các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt: Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Chi cục Thủy lợi); Chủ tịch UBND cấp huyện và lãnh đạo phòng NN&PTNT/phòng Kinh tế; đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng; là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những hành vi vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra canh gác phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê.
Qua thực tế công tác, ở nơi nào, đồng chí Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nề nếp thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiệt hại được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, trong năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỉ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai bất thường cũng xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cụ thể đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỉ đồng.
Tại Hội nghị, khái quát diễn biến KTTV 5 tháng đầu năm 2023, ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV cho biết: 5 tháng qua, nước ta đã trải qua nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm, trong đó xuất hiện 14 đợt không khí lạnh; 18 đợt mưa diện rộng; nhiều đợt nắng nóng diện rộng, trong đó, đáng lưu ý là đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng từ ngày 4-7/5, nhiều nơi đã xuất hiện các giá trị vượt giá trị lịch sử quan trắc cùng thời kỳ, đặc biệt giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tại Tương Dương (Nghệ An) là 44,2 độ C vào ngày 7/5 được đánh giá là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị cũ là 43,4 độ C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) thiết lập tháng 4/2019.
Về diễn biến nhiệt độ, nhiệt độ trung bình trong 5 tháng đầu năm trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Nhận định xu thế thời tiết, thiên tai từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2023, ông Hoàng Văn Đại cho biết: Dự báo khả năng hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino từ tháng 6-8 với xác suất khoảng từ 60-70%. Hiện tượng El Nino tiếp tục xảy ra với xác suất từ 70-80% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024.
Khoảng từ giữa tháng 6 có khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới bắt đầu xuất hiện trên khu vực Biển Đông và phù hợp với quy luật khí hậu. Tháng 6 đến tháng 8, có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với TBNN, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 9 trở đi, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo khoảng 4-5 cơn, ở mức xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN từ 5-6 cơn) và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ.
Về diễn biến mưa, tổng lượng mưa hầu hết các khu vực trên cả nước thời kỳ từ tháng 6-8/2023 phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng tháng 8, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với TBNN cùng thời kỳ.
Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III tới cấp đặc biệt theo định kỳ hàng năm cung cấp, cập nhật cho các địa phương những văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như công việc cần triển khai thực hiện, trao đổi những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, chia sẻ những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ và giải quyết để giữ vững an toàn hệ thống đê điều trước diễn biến lũ bão ngày càng cực đoan, khốc liệt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước trước thiên tai.
Theo đó, ông Hoàng Anh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho rằng cần chú trọng xây dựng, củng cố để lực lượng xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) cấp xã là lực lượng chủ chốt tại chỗ tham gia xử lý giờ đầu các sự cố đê điều, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng xung kích PCTT lấy nòng cốt là lực lượng Dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở xã. Vì vậy, lực lượng xung kích từ nhân dân mà ra, sinh sống tại địa phương, hiểu rõ về đặc điểm lũ, bão và thông thuộc địa hình, hệ thống đê điều, xác định chính xác các trọng điểm xung yếu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lực lượng tham gia công tác PCTT, nhất là lực lượng xung kích cấp xã phải thường xuyên được củng cố, kiện toàn đảm bảo đủ số lượng, sức khỏe, tâm huyết và trách nhiệm; quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng xung kích để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, sẵn sàng xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.