Xã hội

TX.Quảng Yên (Quảng Ninh): Phát triển nghề nuôi biển, nâng cao đời sống người dân

Phạm Hoạch 27/05/2024 - 18:03

(TN&MT) - Những năm qua, TX.Quảng Yên đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định nghề nuôi biển là một trong những hướng đi mũi nhọn, góp phần bảo vệ môi trường biển, cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân ở địa phương.

Để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm đạt được, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên.

anh-qy-02.jpg
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, địa phương đã triển khai những biện pháp gì và đạt được kết quả như thế nào trong việc quy hoạch, giao mặt nước cho người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Thị xã Quảng Yên có 6.468 ha đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích mặt nước biển quan sát là 1.200 ha. Do đặc điểm địa hình, vùng nước cửa sông, biển có nhiều thuận lợi nên thị xã được xác định là vùng trọng điểm NTTS với loài nhuyễn thể như hàu, hà. Tuy nhiên, thời gian trước năm 2024, diện tích biển của thị xã chưa được tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh, do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, giao khu vực biển và cấp phép NTTS trên biển.

Số hộ NTTS trên mặt nước biển chủ yếu là cư dân địa phương, trong đó có nhiều hộ chuyển đổi từ đánh bắt thủy sản trong vịnh Hạ Long chuyển sang nuôi cá, nuôi hầu, hà. Nhu cầu giải quyết sinh kế cho người dân rất lớn do vùng nuôi ven bờ là đầm, bãi triều phần lớn nằm trong vùng quy hoạch các dự án, đặc biệt dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh(chiếm trên 1.600 ha mặt nước, bãi triều tại các xã, phường Hoàng Tân, Liên Hòa, Hà An, Tân An).

Thị xã đã phê duyệt phương án về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân NTTS với diện tích 865ha và đã được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong đó quy định rõ đối tượng được giao là các tổ chức, cá nhân đang NTTS có địa chỉ, hộ khẩu thường trú trên địa bàn thị xã, đặc biệt ưu tiên các hộ đang NTTS bị thu hồi đất, mặt nước thực hiện các dự án đầu tư mà không còn nghề nghiệp khác. Hạn mức giao cho một tổ chức không quá 15 ha, giao cho cá nhân không quá 0,8 ha.

anh-qy-00.jpg
Người dân xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên thu hoạch hà treo dây nuôi trên biển

Hiện đã có 714 hộ đăng ký đủ điều kiện được giao khu vực biển để NTTS trên địa bàn thị xã. Đến nay đã tiến hành xác định ranh giới ngoài thực địa, đo đạc, trích lục sơ đồ nuôi biển cho 544 hộ.

Phóng viên: Được biết, Thị xã Quảng Yên đã có nhiều giải pháp trong việc hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề đối với người dân, nhất là người dân ở các xã ven sông, biển nhằm tạo việc làm ổn định cuộc sống, xin ông cho biết những kết quả đạt được?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Hiện nay, Thị xã Quảng Yên có trên 2.345 phương tiện tàu cá khai thác thủy sản, trong đó số tàu cá khai thác vùng ven bờ chiếm 70%. Trong những năm gần đây, thị xã đã thực hiện tuyên truyền ngư dân tăng việc đóng tàu mới, khai thác thủy sản xa bờ, giảm dần việc khai thác vùng ven bờ, do đó số tàu cá khai thác vùng ven bờ giảm khoảng 20%. Mặt khác, trên địa bàn thị xã đang thực hiện các dự án đầu tư công nghiệp, đô thị theo định hướng phát triển của tỉnh, nhiều dự án giáp biển phải thu hồi đất NTTS, vì vậy, nhu cầu chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho ngư dân là một vấn đề mà thị xã đặc biệt quan tâm.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, trên địa bàn thị xã đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 56 tổ chức, cá nhân, ngư dân, chủ yếu là lĩnh vực khai thác thủy sản đối với nâng cấp, đóng mới tàu cá khai thác xa bờ với tàu có công suất 90CV trở lên với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng. Các hộ ngư dân đã thực hiện cải hoán, nâng cấp tàu, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả.

Ngoài việc hỗ trợ ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu cá, để giải quyết vấn đề việc làm, lao động trong lĩnh vực thủy sản, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã xây dựng đề án NTTS trên biển với diện tích 865ha. Mục đích của đề án là tạo ra vùng nuôi biển ổn định, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường và NTTS, tạo việc làm, gia tăng giá trị thu nhập cho ngư dân và những người nuôi bờ bị thu hồi đất phải chuyển đổi nghề. Hiện nay, thị xã đang thực hiện giao khu vực biển cho khoảng 700 hộ gia đình, dự kiến giao xong trong tháng 5/2024.

anh-qy-01.jpg
Nghề nuôi hà treo dây trên biển vừa tạo việc làm cho người nuôi vừa giúp nhiều lao động ở địa phương làm nghề mổ hà cho thu nhập ổn đinh, nâng cao cuộc sống

Đồng thời, thị xã đã xây dựng Đề án Đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các KCN trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu, phấn đấu 100% lao động bị thu hồi đất có nhu cầu việc làm được bố trí làm việc tại các doanh nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác; 100% lao động có nhu cầu đào tạo nghề để tự tạo việc làm được hỗ trợ đào tạo để tự chuyển đổi nghề.

Phóng viên: Thời gian tới, địa phương có những biện pháp gì để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống gắn với bảo vệ môi trường biển, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ổn định, nâng cao đời sống thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Thời gian tới, thị xã tập trung hoàn thiện kiểm tra thực địa, đo đạc, lập sơ đồ xong cho các cá nhân có đủ điều kiện sau xét duyệt gồm những người đang nuôi, sử dụng lồng bè, phao nổi hợp quy và dự kiến xong trong tháng 5/2024. Đối với thực hiện thủ tục giao khu vực biển phấn đấu xong trong tháng 6/2024.

Đối với các tổ chức, sau khi xét duyệt điều kiện xong, UBND thị xã giao các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các tổ chức hoàn thiện lập thuyết minh dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để gửi Sở NN&PTNT làm thủ tục cấp giấy phép và Sở TN&MT trình UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định giao khu vực biển để NTTS theo quy định của pháp luật.

Thị xã đã chỉ đạo hướng dẫn, khuyến cáo về khung lịch thời vụ trong NTTS, cũng như thay thế toàn bộ vật liệu nổi làm lồng bè mới đúng quy chuẩn theo đúng cam kết khi giao khu vực biển cho các hộ nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của thị xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, bệnh dịch trong NTTS nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất đối với các hộ nuôi biển. Thông qua đó, giúp người dân nuôi biển an tâm bám biển, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao cuộc sống.

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TX.Quảng Yên (Quảng Ninh): Phát triển nghề nuôi biển, nâng cao đời sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO