Xã hội

Tuyên Quang tái tạo và nuôi trồng thủy sản giúp người dân thoát nghèo

Lê Tí 20/04/2023 18:08

Để khai thác hiệu quả, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm quy hoạch vùng nuôi, có chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, từ đó vừa giữ cân bằng hệ sinh thái, vừa tạo sinh kế đem lại thu nhập cho người dân thoát nghèo.

Tái tại nguồn lợi thủy sản

Tuyên Quang có hơn 12.450 ha mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, chủ yếu diện tích đập chứa hồ thủy điện, sông, hồ. Để thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ; tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm… đang góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phục hồi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

1.jpg
Tuyên Quang tổ chức thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ

Cụ thể, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Na Hang, Lâm Bình thực hiện các dự án bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen. Hàng năm ưu tiên thả bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản các giống loài thủy sản, đặc sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên. Huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

Đặc biệt, xây dựng kế hoạch tái tạo, thả bổ sung các giống loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài bản địa, đặc hữu, đi đôi với nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quản lý loài và khu vực được thả tái tạo.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát của cộng đồng thông qua việc xây dựng các tổ chức cộng đồng tham gia, nhân rộng kết quả đạt được của mô hình nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, mặt khác góp phần phát triển thủy sản bền vững và phục vụ nhu cầu khai thác lâu dài.

Nâng cao giá trị

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ, những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nghề nuôi cá lồng của tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ dân, đồng thời góp phần tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 Hiện nay, Tuyên Quang có 2.255 lồng cá, trong đó, trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông 555 lồng. Tỉnh có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 2 cơ sở nuôi cá lồng được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Trong quý I/2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.097 ha, sản lượng thủy sản đạt 3.068 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản 755 tấn.

20221007_081923.jpg
Nhiều hộ nuôi cá lồng ở thị trấn Na Hang đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông, hồ nói riêng đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân, nên được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang.

2(1).jpg
Mô hình nuôi cá lồng cũng cần quan tâm tới việc bảo vệ môi trường lưu vực sông, hồ

Để tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang và nhiều địa phương có thế mạnh đã bắt tay nhau tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tập trung vào một số giống cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao, đồng thời, hướng dẫn cho các hộ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo bao tiêu sản phẩm từ đầu vào con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm. Đây là cách làm và hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng không chỉ ở Tuyên Quảng mà các tỉnh miền núi, trung du… cần nghiên cứu, tham quan, học hỏi và áp dụng phù hợp với điều kiện của địa phương để vừa khai thác hết thế mạnh tự nhiên từng địa phương và vừa giúp nhiều hộ dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang tái tạo và nuôi trồng thủy sản giúp người dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO