Xã hội

Tuyên Quang: Phát triển cây nông sản chất lượng cao

Lê Tí 16/07/2024 - 14:11

Tuyên Quang đã tiến hành tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm tới các cây trồng nông sản chất lượng cao, sản lượng lớn, có khả năng cạnh tranh với thị trường để đưa vào trồng quy mô vừa và lớn. Đồng thời liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng, nội vùng và phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, quan tâm thêm tới cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần mở ra hướng đi đầy triển vọng, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Những năm qua, Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù địa phương, đưa các cây cao sản mà tỉnh có thế mạnh vào sản xuất với quy mô vừa và lớn, theo hướng gắn kết và hiện đại hóa. Điển hình như cây chè, chanh tứ mùa, cam sành, ổi, sa chi, cà gai, trồng rừng… đã giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho người dân và khai thác hết thế mạnh vườn, đồi của địa phương.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có trên 3.200ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, được cấp 9 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng gói; sản phẩm được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu thị trường; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tiếp tục được nâng cao. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt bình quân đạt 110 triệu đồng/năm.

anh-tq.jpg
Thu hoạch nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP

Ngoài ra, với 448.239,9ha đất lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có 426.205ha, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật. Đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu cả nước về sản lượng khai thác; hàng năm trồng mới trên 11.000ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh đạt trên 70%.

Đối với cây phục vụ ngành đồ uống và gia vị như: Cây chanh tứ mùa, diện tích toàn tỉnh đạt hơn 1000ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 13.000 tấn quả tươi, tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Tp. Tuyên Quang. Sản phẩm quả chanh tứ mùa đã được xuất khẩu sang các nước Trung Á, châu Âu và có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống khắp cả nước.

Đối với cây chè, đây là cây thế mạnh và phát triển ổn định ở Tuyên Quang từ rất lâu, diện tích ước đạt gần 9.000ha, trong đó chè đặc sản ước đạt 2.300ha, sản lượng búp tươi của cây chè đạt gần 75.000 tấn/năm. Chè được trồng tập trung ở huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Tp. Tuyên Quang, Sơn Dương… hàng năm đã đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân. Có thể khẳng, cây chè và sản phẩm từ chè đã trở thành cây nông sản góp phần rất lớn vào xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, diện tích cây cam sành ước đạt 7.412ha, sản lượng trên 95.000 tấn quả. Có 1.423,6 ha cây cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 33,4ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Bên cạnh đó, diện tích cây bưởi đạt 5.400ha, diện tích cho quả đã đạt 4.700ha. Đặc biệt, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi Xuân Vân và cam sành Hàm Yên. Đây có thể coi là “gậy pháp lý” giúp cho thương hiệu 2 loại quả này của Tuyên Quang phát triển nhanh và hội nhập với thị trường nông sản cả nước, cũng như quốc tế dễ dàng hơn.

anh-cam-sanh-tq.jpg
Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi Xuân Vân và cam sành Hàm Yên

Để tạo điều kiện cho cây nông sản phát triển tốt, hội nhập nhanh và đem lại lợi ích to lớn cho người dân, nhiều năm trở lại đây Tuyên Quang đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình OCOP, các hội chợ nông sản trên toàn quốc… Kết quả đã có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể, trong đó có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 1 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao cho sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái.

Tuyên Quang đã xây dựng được 28 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn, có 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

che-ham-yen-tq.jpg
Chè và sản phẩm từ chè vẫn là cây trồng nông sản góp phần nhiều nhất trong xóa đói, giảm nghèo của Tuyên Quang nhiều năm qua

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho biết: Tỉnh đang tiếp tục tổ chức tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực, cây nông sản chất lượng cao, cây trồng đặc thù địa phương mới có, với phương châm và cách làm phải liên kết với doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản; Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, xúc tiến đầu tư, dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, nhất là vùng cây nông sản tập trung, chuyên sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Phát triển cây nông sản chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO