Lò gạch nung thủ công có nhiều nhất ở khu chân cầu Bợ, thôn An Lâm, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. |
Ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công ở tỉnh Tuyên Quang đang là một vấn đề nóng đáng quan tâm. Lò gạch thủ công có nhiều nhất ở khu vực chân cầu Bợ, thôn An Lâm, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Hàng ngày, người dân vẫn đang hối hả chuyển gạch vào, ra lò. Đứng trên cầu Bợ khói than bốc lên khét lẹt. Nhiều lò phía dưới chân cầu nghi ngút khói. Mùi khét của khói than bao phủ khắp một vùng dân cư. Ô nhiễm không khí, lãng phí đất nông nghiệp, lâm nghiệp là những hệ lụy do đốt gạch bằng lò thủ công gây ra. Người dân bản địa vô cùng bức xúc nhưng vẫn phải chung sống, chịu đựng mùi khói than của lò gạch nung thủ công hàng chục năm nay. Bà Dương Thị Lan, chủ cửa hàng tạp hóa ở “khu lò gạch” xã Thái Sơn cho biết: “Các lò gạch này hoạt động lâu năm rồi. Chính quyền cũng nhiều lần đến vận động tuyên truyền về việc ngừng hoạt động lò gạch cũ nhưng chưa thấy chuyển biến gì. Những ngày nắng nóng, hanh khô thì không khí sặc mùi than cháy. Ngày mưa, khói quẩn quanh dưới thấp, hít phải hơi than cháy cảm thấy rát cổ, cay mắt. Trời khô hanh, xe vào ra nườm nượp, các loại khói bụi cứ thế thi nhau bay mù mịt, ô nhiễm lắm.”
Lò gạch thủ công đang "nhả khói than" gây ô nhiễm môi trường ngay dưới chân cầu Bợ. |
Tiến lại gần nhóm người đang hì hụi gánh gạch, chuyền gạch vào lò chuẩn bị đốt, ông Hoàng Thanh Ngân, chủ một lò gạch đã phân trần nói với phóng viên: Cả đời tôi đã ngót 60 xuân gắn bó với lò gạch, lò ngói ở đây từ năm 1972 đến giờ. Không có mùi khói lò là khó ngủ lắm. Nhà nước bảo xóa lò gạch đi thì chúng tôi biết lấy gì để sinh sống. Ruộng đất, vườn tược không có một tấc. Vì chúng tôi là công nhân xí nghiệp gạch ngói trước đây nên không ai được cấp đất canh tác. Cả gia đình 7 khẩu chỉ trông vào cái lò gạch này. Nếu nhà nước cấm lò thì lo giúp dân việc làm và đất đai canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện tại, trong thôn An Lâm đã có hai, ba gia đình mạnh dạn phá lò gạch thủ công theo sự vận động của chính quyền xã, huyện. Họ đang băn khoăn về nghề nghiệp và thu nhập khi năm hết, tết đến. Anh Trần Văn Nam, thôn An Lâm, xã Thái Sơn vừa san lấp lò gạch để làm sân vừa chia sẻ: “Gia đình tôi chấp hành phá dỡ lò gạch rồi. Nhà nước có hỗ trợ tiền hay dạy nghề mới cho chúng tôi không? Mong nhà nước sớm có chính sách tạo việc làm giúp dân”. Ông Hà Văn Xuân, trưởng thôn An Lâm, xã Thái Sơn cũng cho biết: Người dân ở đây không chống đối chính sách nhà nước tháo dỡ lò gạch. Nhưng tỉnh, huyện cũng nên chia sẻ với họ, tạo việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn để người dân yên tâm sinh sống.
Anh Trần Văn Nam (áo đỏ đứng giữa), thôn An Lâm, xã Thái Sơn vừa tự tháo dỡ vỏ lò gạch. |
Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, hiện tại trên địa bàn có 87 lò gạch tập trung ở 2 xã là Thái Sơn và Bình Xa. Đa số lò đang hoạt động. Số ít mới tạm ngừng hoạt động, vài hộ dân đã tự tháo dỡ vỏ lò. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có khoảng 130 lò gạch thủ công phân bố ở Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Năm 2018, tỉnh vận động được 91 chủ lò tự phá dỡ vỏ lò. Hiện có hơn 1000 lao động đang làm việc tại các khu lò gạch. Đa số trình độ văn hóa từ phổ thông trở xuống. Thu nhập bình quân một lao động dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Chung, Chánh Văn phòng sở Xây dựng, tỉnh Tuyên Quang đã cho biết một số khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân làm gạch: Tỉnh đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vài ba chục triệu đồng trên hộ để chuyển đổi nghề nghiệp nhưng người dân không đồng ý. Quỹ đất cấp cho họ làm ruộng, nương thì không có nữa. Tuổi đời cao từ 40 đến 60 tuổi nên việc đào tạo nghề mới cũng gặp khó khăn. Chúng tôi vẫn đang vận động bà con tự phá dỡ lò gạch nung thủ công để bảo vệ môi trường nhưng rất trăn trở lo cái ăn, việc làm cho cả nghìn người…
Tuyên Quang có khoảng 1000 người đang lao động kiếm sống tại các khu lò gạch nung thủ công. |
Theo văn bản tham mưu của Sở Xây dựng thì thời hạn chót chấm dứt hoạt động, xóa bỏ lò gạch nung thủ công vào ngày 30/6/2019. Tuy nhiên, đến nay hàng chục lò vẫn hoạt động bình thường.Vì nhiều lý do nên tỉnh Tuyên Quang vẫn cứ phải để lò gạch thủ công tồn tại, “nhả khói bụi” lên trời xanh. Các sở ngành, địa phương trong tỉnh thì loay hoay xoay xở tìm các phương án giúp dân có việc làm ổn định. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xóa bỏ lò gạch nung thủ công đã có hiệu lực trên toàn quốc nhiều năm nay. Sự chần chừ của tỉnh Tuyên Quang đã kéo dài thời gian cho lò gạch nung thủ công tàn phá môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của người dân.