Tuyên Quang: Hộ nghèo được hỗ trợ đất
(TN&MT) - Thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đất sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, hỗ trợ cây giống... Cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo.
Trong 2 năm (2016 và 2017), tỉnh đã hỗ trợ gần 36 tỷ đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, hỗ trợ đất sản xuất cho 2.332 hộ nghèo, 511 hộ cận nghèo, 4 hộ mua giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng 13 mô hình sản xuất, chăn nuôi; mua 1.144 máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, xây dựng 189 chuồng trại chăn nuôi... với tổng vốn 22 tỷ đồng. Tháng 9/2017, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định phê duyệt Kế hoạch vốn dự án Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017 đợt 2 với tổng vốn trên 24,7 tỷ đồng. Trong đó phân bổ 19 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã an toàn khu và các thôn bản đặc biệt khó khăn.
Từ 2016 đến nay, thông qua Chương trình 135, UBND các huyện đã chủ động lồng ghép thực hiện đầu tư 18 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn 18 xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống với kinh phí hơn 18 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho các xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống để mua trâu sinh sản, máy sản xuất nông cụ và xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ trực tiếp bằng 1.200 kg giống lúa lai, 83 kg ngô lai cho 275 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Mông sản xuất vụ xuân, vụ mùa và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt 711,5 triệu đồng cho 1.385 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Mông; hỗ trợ di chuyển và cấp 13,2 ha đất ở cho 33 hộ đồng bào dân tộc Mông tại thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) định cư tại nơi ở mới...
Ngoài những nguồn vốn dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng thiết yếu ở vùng khó như nguồn tín dụng, nguồn hỗ trợ, tài trợ... Cuối năm 2016, các thôn Khuổi Chang, Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình được đầu tư đường, được hỗ trợ gần 91,6 tỷ đồng
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng và đào tạo nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Năm 2017, huyện có 85 thôn thuộc vùng
đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; ưu tiên xây dựng, sửa chữa 28 công trình, trong đó có 18 công trình đường giao thông, đường nội đồng phục vụ việc đi lại, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn được hỗ trợ tiền mua trâu, bò, lợn, dê, chè giống; hỗ trợ máy
nông nghiệp, kiến thức sản xuất... giúp đời sống của bà con dân tộc đã có nhiều khởi sắc.
Tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4%/năm trở lên;
khoảng 38% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; trên 11% hộ nghèo được vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; trên 12% hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.