Xã hội

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển cây trồng thích ứng với BĐKH

Lê Tí 16/05/2024 - 15:29

Thời gian qua, Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), mở ra hướng đi đầy triển vọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Những năm qua, Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù địa phương, cây cao sản mà tỉnh có thế mạnh. Điển hình như cây chè, chanh tứ mùa, cam sành, sa chi, cà gai, trồng rừng… đã giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho người dân và khai thác hết thế mạnh vườn, đồi của từng địa phương.

Tiêu biểu nhất phải kể tới diện tích cây chè, đây được xem là cây trồng cao sản thích hợp với khí hậu miền núi và đất đồi ở Tuyên Quang, nhờ đó diện tích đã đạt gần 9.000 ha, trong đó có gần 2.300ha chè đặc sản, sản lượng búp tươi đạt trên 75.000 tấn/năm.

anh-1-cay-bdkh.png
Tỉnh đoàn Tuyên Quang tham gia trồng rừng chống biến đổi khí hậu

Ngoài ra, gần đây có mô hình trồng cây chanh tứ mùa đang “lên ngôi” ở Tuyên Quang, diện tích toàn tỉnh lên tới 1.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Yên và Tp. Tuyên Quang, sản lượng hàng năm ước đạt gần 13.000 tấn quả/năm, giá thương phẩm trung bình từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, đặc biệt, sản phẩm quả chanh tươi đã được HTX Việt Bắc xuất khẩu sang châu Âu và Trung Đông.

Anh Nông Văn Đoàn, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, cho biết: Nhờ trồng chanh tứ mùa và cam sành kết hợp, gia đình tôi hàng năm đã có thu nhập hơn trăm triệu đồng, nhờ đó có của ăn của để, cho con ăn học và sắm sửa tiện nghi trong nhà được đầy đủ, vươn lên thành hộ khá giả.

anh-2-cay-bdkh.jpg
Nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây chanh tứ mùa

Được biết, ngoài trồng chanh tứ mùa xuất khẩu thắng lợi, Tuyên Quang còn có diện tích cam sành đạt gần 7.500 ha, sản lượng ước đạt 95.000 tấn quả/năm. Trong đó có khoảng 1.500ha cây cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 35ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, diện tích cây bưởi đã đạt 5.400ha, trong đó hơn 4.000ha đã cho quả. Hiện tại, bưởi Xuân Vân và cam sành Hàm Yên đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Ngoài các mô hình nông nghiệp hiệu quả trên, thời gian quan Tuyên Quang đã quan tâm đến các mô hình trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương với diện tích hơn 30 ha; mô hình trồng cây sa chi tại xã Lương Thiện với diện tích 3 ha; mô hình trồng cây hương nhu tại xã Tú Thịnh với quy mô 18 ha; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín với diện tích hơn 3.000 m2 tại xã Kháng Nhật…

Các mô hình cây trồng mới cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương khác ở Tuyên Quang, điển hình như mô hình liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt tại các huyện Sơn Dương và Yên Sơn; mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, triển khai tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Na Hang.

Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình mới đều cho hiệu quả cao nhờ phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học – kỹ thuật và thích ứng phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn đã và đang đem lại hiệu quả to lớn giúp người nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, đặc biệt nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.

Ông Nguyễn Xuân Trình thôn Bình ca I, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, nhờ trồng cây cam, ổi và bưởi kết hợp với nhau đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Trình chia sẻ: Để cây trồng ra quả đều, năng suất, chất lượng cao, ngay từ những ngày đầu triển khai tôi đã quy hoạch, trồng theo đặc tính của từng loại cây. Phần đất soi bãi trồng ổi, bưởi, đất đồi trồng cam, bởi vậy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn sóc, dùng phân bón hữu cơ, chăm sóc theo quy trình VietGAP, bởi vậy sản phẩm hoa quả của gia đình luôn được tư thương đặt mua hết ngay từ đầu vụ.

anh-3-cay-bdkh.jpg
Ông Nguyễn Xuân Trình giới thiệu về mô hình trồng cây ăn quả kết hợp của gia đình

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 3.200ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, được cấp 9 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng gói; sản phẩm được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu thị trường; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tiếp tục được nâng cao. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt bình quân đạt 110 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, với 448.239,9ha đất lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có 426.205ha, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật. Đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu cả nước về sản lượng khai thác; hàng năm trồng mới trên 11.000ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh đạt trên 70%.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Hiện nay ngành Nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Song lĩnh vực nông nghiệp luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng vượt khó của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân nên các mục tiêu tăng trưởng của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhiều năm nay tỉnh luôn quan tâm đưa các giống cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đặc thù khí hậu miền núi để giúp người nông dân tự quy hoạch vườn trồng, cây trồng cho chính mình, từ đó giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Được biết, Tuyên Quang sắp tới sẽ ứng dụng các công nghệ giám sát thiên tai như: Hệ thống đo mưa, hệ thống cảnh báo cháy rừng, quản lý tài nguyên rừng… và tất cả sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt, nhất là vùng cây nông sản tập trung, cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù địa phương, từ đó có thể phát hiện sớm để ngăn chặn và chữa trị sâu bệnh cho cây trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển cây trồng thích ứng với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO