Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam phát biểu |
Phát biểu tại hội thảo, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho biết: “Hội thảo được thực hiện là điều rất cần thiết giúp cho chúng ta có thể trao đổi, hiểu kĩ hơn về khái niệm về rừng cộng đồng, đặc tính chung, những khó khăn trong quản lý và bảo vệ sử dụng rừng. Chúng ta rất cần nhận thức đầy đủ về các loại rừng gắn với cộng đồng dân cư địa phương và cân nhắc hiệu quả quản lý của các cộng đồng dân cư địa phương nói chung trong quản lý bảo vệ rừng, để có những định hướng lâu dài trong việc quản lý rừng”.
Quản lý rừng cộng đồng là một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả, hài hoà giữa quyền hưởng dụng rừng, tôn trọng giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương đi kèm với các lợi ích sinh thái, bảo tồn rừng. Phương thức này cũng gắn liền với quá trình chuyển dịch từ phương thức quản lý tập trung nhà nước sang quản trị với sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương.
Tính đến năm 2018, theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có hơn 1.145.601 ha rừng hiện do cộng đồng dân cư quản lý; trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 90%.
Bên cạnh các diện tích rừng được các cộng đồng quản lý, bảo vệ theo tín ngưỡng, tập tục truyền thống từ lâu đời (khoảng 650.000 ha), phần lớn các diện tích này chủ yếu được giao cho cộng đồng thông qua một loạt các chương trình, dự án thí điểm tại các địa phương với cách tiếp cận quản lý rừng bền vững.
Ông Vũ Hữu Thân, Điều phối đào tạo của Trung tâm Con người và Rừng cho rằng: “Sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý và xây dựng rừng cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, xây dựng rừng. Việc người dân tham gia vào việc quản lý sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng cũng như với sự tham gia của cộng đồng thì việc quản lý rừng sẽ được tốt hơn”.
Ông Vũ Hữu Thân, Điều phối đào tạo của Trung tâm Con người và Rừng chia sẻ tại hội thảo |
Những đặc điểm đa dạng văn hoá của các cộng đồng, các vấn đề pháp lý, động lực tham gia, cơ chế hưởng lợi, cũng như những thay đổi về bối cảnh kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện và hiệu quả của các mô hình rừng cộng đồng là những vấn đề được đưa ra tham khảo và thảo luận tại hội thảo, để chỉ ra những tích cực, tiêu cực nhằm đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp trong việc định hình và kiến nghị chính sách.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng: “Vấn đề lớn nhất hiện nay trong giao đất, giao rừng và quản lý rừng cộng đồng chưa có số liệu thống kê đầy đủ, tách bạch giữa các đối tượng rừng do cộng đồng đang quản lý. Rừng đã giao cho cộng đồng nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, rừng đã cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng và rừng do cộng đồng tự công nhận, để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư, xác lập quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư đối với rừng cộng đồng, giải quyết những tranh chấp giữa các chủ rừng”.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam phát biểu |
Hiện nay, một số diện tích rừng giao cho cộng đồng được đánh giá là các diện tích rừng nghèo kiệt, xa khu dân cư, người dân thiếu động lực tham gia trong bối cảnh thiếu đất sản xuất hay xung đột với các loại hình sử dụng đất khác. Điều này đã và đang đặt các diện tích rừng này trước những rủi ro bị lấn chiếm, khai thác và chuyển đổi. Địa vị pháp lý không rõ ràng, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn, cách tiếp cận xây dựng mô hình chưa phù hợp truyền thống, văn hoá đi kèm với những khó khăn trong năng lực tự tổ chức quản lý rừng... được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Tại hội thảo đã diễn ra thảo luận sôi nổi để định hình lại bản chất của rừng cộng đồng với sự tham gia của các đại diện cộng đồng và Hội chủ rừng địa phương. Từ đó, đưa ra câu trả lời, chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc, còn tồn đọng trong các vấn đề về quản lý rừng tại các địa phương.
Quang cảnh hội thảo |
Kết thúc hội thảo, ông Hứa Đức Nhị mong rằng các nhà khoa học và các nhà quản lý có những nghiên cứu và tổng kết thực tiễn các cách thức quản lý rừng phù hợp nhất với lịch sử hình thành trong việc quản lý, xây dựng rừng.