Tượng đài mới khánh thành đã xuống cấp ở Thái Bình: Có hay không dấu hiệu “rút ruột công trình”?

Giang Nguyễn| 04/07/2021 22:08

(TN&MT) - Sau vài tháng khánh thành, nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp khiến người dân vô cùng bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không việc “rút ruột công trình” có kinh phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng này?

Ngày 25/6/2021, Báo TN&MT đăng tải bài viết: “Thái Bình: Nhiều hạng mục của tượng đài mới khánh thành đã có dấu hiệu xuống cấp”. Nội dung bài viết phản ánh về việc công trình “Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam” được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường Thái Bình, diện tích hơn 91 ha, tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình (Thái Bình). Mặc dù mới khánh thành chưa đầy nửa năm (tháng 12/2020) nhưng rất nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, đá lát bong tróc, vỡ loang lổ, gây mất mỹ quan đô thị.

Đá ốp lát bậc lên xuống khu vực tượng đài Bác bị bong tróc, nứt vỡ để lộ ra chất lượng công trình kém chất lượng

Công trình “Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng, linh thiêng nhưng bị hư hỏng ngay khi mới khánh thành đã tạo nên dư luận không tốt về việc quản lý dự án, thi công, giám sát, hoài nghi về việc có dấu hiệu rút ruột, tiêu cực công trình.

Theo ghi nhận của PV, đá ốp lát ở nhiều hạng mục của công trình đã có hiện tượng bị cong vênh, nứt vỡ, bong tróc nham nhở… Các bậc lên xuống quanh khu vực trước mặt tượng đài Bác, đá ốp bị ố, ngả vàng. Đường dẫn lên đền thờ Bác tình trạng trên cũng diễn ra tương tự, nhiều viên đá có hiện tượng sụt lún do chất lượng cốt nền kém, nứt vỡ.

Dự án hàng trăm tỷ đồng vừa mới khánh thành nhưng đã bị đào xới, chắp vá nham nhở, gây lãng phí và mất niềm tin trong nhân dân.

Sau khi Báo TN&MT phản ánh, đơn vị thi công công trình liên tục cho người đào bới, thay thế các viên đá ốp lát xung quanh khu vực tượng đài Bác nhưng với cách làm “cẩu thả”. Nhiều người dân lo lắng, đặt nghi vấn về chất lượng của các viên đá mới thay kia, liệu bao lâu nó sẽ lại bị nứt vỡ?

Khu vực Quảng trường Thái Bình nhiều hạng mục xuống cấp rơi vào tình cảnh "cha chung không ai khóc", người dân vô tư chăn thả gia súc, phóng uế bừa bãi vô cùng phản cảm

Anh N.V.A, một người dân sống gần khu vực Quảng trường, cho biết: “Tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục quanh khuôn viên tượng đài Bác, nội dung báo chí phản ánh là hoàn toàn đúng. Phải thừa nhận công trình xuống cấp quá nhanh, đơn vị thi công cho thợ sửa chữa, thay mới đá ốp lát nhiều khu vực nhưng chỉ làm để che mắt dư luận, chứ chất lượng toàn bộ công trình mới là quan trọng; chỗ thì đào lên xong để đấy, chỗ thì chắp vá, đá vỡ thay xong vứt ngổn ngang nhiều người đi qua không để ý đã từng bị vấp ngã”.

Đá vỡ được đơn vị thi công đào lên xong để đấy, nhiều người đi qua không để ý đã từng bị vấp ngã

Chị V.T.T, phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình cùng chung nỗi bức xúc: Thật không thể tưởng tượng nổi, một công trình trọng điểm của tỉnh mà chất lượng thi công lại cẩu thả đến vậy. Công trình vừa mới khánh thành rầm rộ, hoành tráng với sự chứng kiến của nhiều ban bệ, mà nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát hay ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm ở công trình này?

Sau phản ánh của Báo TN&MT, ngày 29/6, tại công trình “Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam” xuất hiện một tốp thợ. Theo ghi nhận, tốp thợ này trong nhiều giờ sử dụng xi măng đắp vào các kẽ hở trên tượng đài; người trát, người bả, người mài khiến bụi bay mù mịt. 

Còn cụ ông T.V.H, là đảng viên năm nay đã ngoài 70 tuổi chia sẻ: “Người đứng đầu tỉnh phải kiểm tra, xử lý thật nghiêm tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng chất lượng công trình kém chất lượng. Cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình phải thanh tra, xác minh làm rõ: Có hay không việc rút ruột công trình? Tỉnh Thái Bình cần phải có biện pháp xử lý để công trình có tuổi thọ lâu dài; việc cho thợ sửa chữa, thay mới các viên đá vỡ, bong tróc chỉ là biện pháp tình thế. Ở đây chủ đầu tư, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm; xin đừng làm mất niềm tin của Trung ương và Nhân dân”. 

Trao đổi với PV qua điện thoại, bà Phạm Thị Minh, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao TP. Thái Bình cho biết: Hiện nay, đơn vị chỉ được giao quản lý đền thờ Bác và khuôn viên xung quanh (từ năm 2018), còn toàn bộ Quảng trường và công trình tượng đài Bác thì chưa giao cho đơn vị nào quản lý vì chưa xong. Còn về các vết nứt trên mái vòm đền thờ Bác, theo bà Minh lý giải là “do thời tiết”, đơn vị đã nắm được vấn đề này và đang làm báo cáo để thành phố có phương án tu sửa.

Một dự án trọng điểm hàng trăm tỷ đồng của tỉnh Thái Bình đang đứng trước nguy cơ bị hoang phế theo thời gian

Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” được triển khai xây dựng từ tháng 10/2018. Công trình hài hòa với không gian, cảnh quan Quảng trường Thái Bình và Công viên sinh thái với có 5 ngọn núi, độ cao từ 17 đến 27 mét và đền thờ Bác Hồ cùng với các công trình Nhà triển lãm, Nhà Bảo tàng, hồ nước, hệ thống giao thông và cây xanh. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục công trình chưa được nghiệm thu, bàn giao; nhiều diện tích đất bị bỏ hoang người dân tự ý chăn thả gia súc, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Được biết, Công ty TNHH Lâm Linh (phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình) là đơn vị trúng Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình (thuộc Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân”, với mức đầu tư trên 148 tỷ đồng.

Để biết năng lực thực sự và “thành tích” của Công ty TNHH Lâm Linh ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tượng đài mới khánh thành đã xuống cấp ở Thái Bình: Có hay không dấu hiệu “rút ruột công trình”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO