Từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách: Cơ hội cho doanh nghiệp

Trung Nguyên| 30/06/2020 15:56

(TN&MT) - Theo xu hướng thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đang dần được hình thành trên quy mô toàn cầu và có thể tạo ra các rào cản mới trong thương mại.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có bước chuyển mình phù hợp, rất có thể hàng hóa, dịch vụ của chúng ta sẽ không đủ điều kiện tham gia thị trường các bon.

Câu chuyện của ngành hàng không

Từ năm 2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự kiến sẽ áp dụng Cơ chế bù trừ phát thải các bon đối với các chuyến bay quốc tế. Theo đó, các hãng hàng không sẽ phải phải mua tín chỉ các bon để bù đắp phần chênh lệch, nếu lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế cao hơn mức chuẩn phát thải trung bình của hai năm 2019 và 2020.

Trong khi chờ các hướng dẫn cụ thể, ngành hàng không Việt Nam đã lên phương án đối việc tham gia cơ chế này. Trước mắt, do thị trường các bon của Việt Nam chưa hình thành và chính thức đi vào hoạt động nên hàng không Việt Nam khó tránh khỏi việc phải mua các tín chỉ các bon trên thị trường quốc tế với mức rất cao. Vì vậy, một trong những phương án được tính đến là Việt Nam sẽ tự nguyện tham gia cơ chế, với điều kiện được phép mua/bán tín chỉ các bon từ các dự án trong nước.

Ngành hàng không sẽ áp dụng cơ chế bù trừ phát thải các bon

Giá 1 tín chỉ các bon trong nội địa rất rẻ so với giá chung của các thị trường khác trên thế giới. Thực tế, tín chỉ các bon từ các dự án CDM đã có từ lâu nhưng thị trường nội địa chưa hình thành, thiếu hành lang pháp lý dẫn đến việc giao dịch vẫn khó khăn, giá thành không hấp dẫn nhà đầu tư. Trong khi đó, tại châu Âu, 1 tín chỉ các bon đang giao dịch với mức giá khoảng từ 10 đến gần 30 USD. Nhìn chung mỗi khu vực sẽ có giá giao dịch các bon khác nhau, phụ thuộc vào cán cân cung – cầu của thị trường.

Nhu cầu về thị trường các bon tại Việt Nam là có thật, bởi nhiều ngành kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và có mức phát thải lớn. Điển hình là ngành điện, sản xuất thép, xi măng, chất thải rắn… Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Bộ KH&ĐT): Các giải pháp giảm phát thải về mặt kinh tế khả thi hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách năng lượng và khí hậu của chính phủ, cùng với mức chi phí - lợi ích của doanh nghiệp khi ra quyết định áp dụng. Trong những năm qua, các ngành trên đã đầu tư khá lớn vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn cắt giảm triệt để phát thải KNK.

Không thể đứng ngoài cuộc chơi

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2020, đã có 46 quốc gia và 32 vùng lãnh thổ thực hiện định giá các bon, với tổng số 14.500 công ty, cơ sở tham gia, tạo ra hơn 4 tỷ tín chỉ các bon. Việc xây dựng và vận hành thị trường các bon là xu thế tất yếu khi các quy định bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính của Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực từ năm 2021. Do đó, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang tập trung nghiên cứu các chính sách phù hợp, đồng thời cũng là giai đoạn chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những cơ chế chính sách mới liên quan đến phát thải các bon.

Tháng 4/2020, Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát hành thêm 709.192 tín chỉ các bon theo cơ chế Tiêu chuẩn Vàng tự nguyện (GS-VER). Tổng cộng, dự án đã phát hành hơn 3 triệu tín chỉ và là một trong những dự án có khối lượng tín chỉ GS-VER cao nhất trên thị trường thế giới. Giá bán là 2USD/tín chỉ.

Các chính sách này sẽ tác động đến cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội. Điều này có thể đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

Quay trở lại với câu chuyện của ngành hàng không, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc đáp ứng các yêu cầu về cắt giảm phát thải các bon cũng chính là phương thức tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên “sân khách”, mở ra thị trường rộng lớn hơn nhiều lần. Nếu tạo ra tín chỉ các bon, đây có thể xem như tăng thêm một nguồn thu cho doanh nghiệp.

Theo Vụ Tiết kiệm và Sử dụng hiệu quả năng lượng (Bộ Công Thương), cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật các thông tin mới nhất về các chính sách như thuế các bon, nhãn các bon, thị trường các bon; tích cực tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.

Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, minh bạch và kiểm soát phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến sử dụng năng lượng. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để giảm mức phát thải các bon trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tháng 6/2020, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam - giai đoạn 2” (FCPC-2) cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để ký kết và triển khai thực hiện Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Nếu thành công, Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2e với giá dự kiến 5 USD/tín chỉ. Qua đó, huy động thêm 51,5 triệu USD cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho khu vực này.

Bên cạnh đó, tìm kiếm và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa sử dụng công nghệ, năng lượng hiệu quả để giảm dấu vết carbon trên sản phẩm trong chuối cung ứng hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách: Cơ hội cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO