Tuân thủ quy định quốc tế trong khai thác hải sản góp phần bảo vệ an ninh biển đảo

Việt Anh| 19/11/2020 20:22

(TN&MT) - Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến, gắn thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, ngăn chặn, xử lý các tàu cá vi phạm. Những nỗ lực này nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp diễn ra nhiều năm nay và hướng tới phát triển nghề cá bền vững, hội nhập quốc tế.

Tăng cường giám sát vi phạm

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã khiến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang các nước Liên minh châu Âu (EU) giảm 6%; năm 2019, giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Dù giảm nhưng EU vẫn là thị trường lớn với giá trị thương mại cao, có tính định hướng và là đối tác quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã đem lại nhiều lợi thế về thuế suất. Điều này đã dấy lên kỳ vọng xuất khẩu hải sản vào EU sẽ bứt phá, cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 2 cuộc họp trực tuyến gần đây, phía EC đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp và các quy định của Luật Thủy sản năm 2017. “Nhờ đó, kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đạt trên 82%, đánh dấu tàu cá đạt trên 90%. Hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương. Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể” – ông Hùng chia sẻ.    

Hơn 82% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 

Một trong những địa phương triển khai tốt công tác này là tỉnh Bình Định. Nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân trên địa bàn, đến nay, 100% tàu thuyền có chiều dài từ 15 mét trở lên đã có trang bị thiết bị giám sát hành trìn. Chủ tàu, thuyền trưởng cũng phải ký cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp, hàng năm phải đưa tàu về cảng đăng ký, khai báo đúng quy định.

Tính từ đầu năm đến nay, thông qua phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phát hiện và cảnh báo 312 lượt với 203 tàu, vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Các đơn vị thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và gửi danh sách đến UBND các xã, phường phối hợp với các Đồn Biên phòng, các đơn vị liên quan tổ chức làm việc, nhắc nhở, kiểm điểm thuyền trưởng tàu vi phạm, yêu cầu ký cam kết không tái phạm ngay sau khi tàu về bờ. Và danh sách đó được gửi đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp xác minh, đề xuất xử lý từng trường hợp vi phạm cụ thể theo quy định.

Những trường hợp vi phạm, sẽ tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và công khai trên website của Tổng cục Thủy sản về danh sách các tàu khai thác bất hợp pháp. Tàu cá nào cố ý không bật thiết bị giám sát sẽ không được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ trong khai thác thủy sản hiện hành trong một năm.

Hợp tác quốc tế chống đánh bắt trái phép

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra. Đến nay đã có 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Phía EC khẳng định, nếu vẫn còn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở vùng biển nước ngoài sẽ không gỡ “ thẻ vàng” cho Việt Nam.

Tại cuộc họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao tăng cường, thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Trước mắt đề nghị phía Bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này. Mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước.

Vẫn còn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài

Hiện, Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan nghề cá và hợp tác trên biển với các nước, trong đó có các nước khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia... Bên cạnh việc thường xuyên trao đổi với các nước Đông Nam Á thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau thông qua các đường dây nóng phòng chống khai thác IUU, Việt Nam cũng xúc tiến triển khai việc ký kết Bản ghi nhớ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với Thái Lan.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam chủ trương phát huy tầm ảnh hưởng để cùng các nước thành viên chấm dứt hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân trong các vùng biển của nhau. Việc chấm dứt đánh bắt hải sản bất hợp pháp thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và góp phần cùng cộng đồng quốc tế xóa bỏ IUU trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng cố gắng thúc đẩy việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982.

Trên tất cả, việc đảm bảo hải sản truy xuất được nguồn gốc mang lại lợi ích cho chính những người ngư dân, bởi ngày càng có nhiều thị trường đặt ra yêu cầu này, thậm chí là thị trường truyền thống như Trung Quốc. Trong thời gian tới, vẫn cần phải chú trọng giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng; đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các cấp để kịp thời pháp hiện, xử lý các hành vi vi phạm…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuân thủ quy định quốc tế trong khai thác hải sản góp phần bảo vệ an ninh biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO