Từ tháng 2/2017, sẽ xử tăng mức xử phạt vi phạm môi trường lên đến 25 lần

03/02/2017 00:00

(TN&MT) - Từ ngày 1-2-2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền với mức tăng từ 10 đến 25 lần.

Theo Nghị định 155, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền, trong đó mức tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng; với tổ chức là 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, hành vi vứt, bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Sẽ xử lý ô nhiễm môi trường từ tháng 2/2017 cao gấp 25 lần. Ảnh minh họa
Sẽ xử lý ô nhiễm môi trường từ tháng 2/2017 cao gấp 25 lần. Ảnh minh họa

Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng.

Vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Đối với vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản, cá nhân vi phạm bị phạt từ 5 đến 500 triệu đồng; vi phạm các quy định về xả nước thải bị phạt từ 300.000 đến 1 tỷ đồng; vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng... 

Đặc biệt với vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, Nghị định quy định phạt tiền từ 250 đến 500 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn, nước thải không xử lý xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy, hải sản... Phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển.

Điều 31. Vi phạm các quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ
1. Phạt cảnh cáo đối với người tiêu dùng có hành vi không chuyển giao sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi theo quy định.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp nhà phân phối không phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ theo quy định; không lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi; không cung cấp thông tin cho nhà sản xuất theo quy định.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp thu gom nhưng không chuyển các sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng đến điểm thu hồi theo quy định.
4. Vi phạm các quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án, kế hoạch thu hồi sản phẩm thải bỏ đã đưa ra thị trường Việt Nam; không báo cáo định kỳ cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không công khai thông tin về danh sách các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có điểm thu hồi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường hoặc những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;
đ) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không tự xử lý, tái sử dụng hoặc không chuyển giao sản phẩm thải bỏ đã thu hồi cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.
5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này gây ô nhiễm môi trường.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này gây ra.

Hà Trần

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ tháng 2/2017, sẽ xử tăng mức xử phạt vi phạm môi trường lên đến 25 lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO