Cụ thể, giá hiện tại của 0 kWh – 100kWh tăng từ 1350 đồng/kWh lên 1418 đồng/kWh. Các hộ này dự kiến sẽ tăng chi 6.800 đồng/tháng.
Mức 101 kWh – 150 kWh tăng từ 1545 đồng/kWh lên 1622 đồng/kWh, tăng 77 đồng/kWh. Các hộ này sẽ tăng chi khoảng 10.650 đồng/tháng.
Mức 151 kWh – 200 kWh tăng từ 1947 đồng/kWh lên 2044 đồng/kWh, tăng 97 đồng/kWh. Các hộ này sẽ tăng chi 15.500 đồng/tháng.
Các mức tăng cho các bậc số tiếp theo lần lượt là 105 đồng/kWh, 112 đồng/kWh và cuối cùng là 113 đồng/kWh cho bậc thang từ 401 kWh trở lên. Sử dụng trên 400kWh sẽ tăng chi 37.200 đồng/tháng.
Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tăng là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37-41% tùy từng loại than. Ngoài ra, việc tăng giá điện lần này theo EVN cũng nhằm thu hút đầu tư.
Ngay trước đó, ngày 30/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là tiến tới thể chế kinh tế thị trường, các loại giá trong đó có giá điện cũng phải theo thị trường, trong đó sẽ có cơ chế hỗ trợ cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp và người nghèo. Ngoài ra phải có cơ chế khuyến khích bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để đầu tư vào công nghệ hiện đại hơn, nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc Gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư thì giá điện tăng 1% sẽ ảnh hưởng làm tăng CPI 0,07%, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là 0,04%; gián tiếp là 0,03%.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo, trong 6 tháng cuối năm, nếu không xảy ra những đột biến về bão lũ, dịch bệnh, giá dầu không tăng đột biến... thì cả năm 2013 mục tiêu CPI ở mức từ 6%-6,5% có thể thực hiện được.
Thu Hà