Truy vết thần tốc chống COVID-19: Bài học từ Đà Nẵng

Lan Anh| 18/05/2021 11:18

(TN&MT) - Chiến lược truy vết, xét nghiệm thần tốc chính là chìa khoá của thành công để khống chế dịch COVID-19. Với phương pháp sáng tạo xét nghiệm mẫu gộp, Đà Nẵng đã tiết kiệm gần 1/5 so với chi phí xét nghiệm mẫu đơn, nâng năng lực xét nghiệm lên hơn 22.000 mẫu/ngày, góp phần phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.

Thần tốc truy vết, xét nghiệm xuyên đêm

Tối 15/5, ngay khi có thông tin phát hiện có ca nghi nhiễm COVID-19 là chủ quán bùn bò trên địa bàn phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, ngay lập tức, lực lượng chức năng của UBND quận Thanh Khê gồm nhân viên của Trung tâm y tế quận, phường, công an… có mặt để điều tra dịch tễ, truy vết F1, F2. Sau khi yêu cầu bệnh nhân mặc trang phục bảo hộ, xe cấp cứu 115 đến, tất cả ê-kíp làm việc được trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng, phối hợp kiểm tra lại thông tin bệnh nhân và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị.

Lấy mẫu xuyên đêm cho gần 3.000 người tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang.

Đội truy vết của y tế quận cũng khẩn trương vào việc, chia nhỏ quân, gõ từng nhà trong khu vực. Chốt “phong tỏa mềm” được lập, lực lượng trực được điều động vào chốt. Xe cấp cứu 115 cũng khẩn trương đến chuyển các F1 đầu tiên đến cơ sở cách ly. Hơn 600 người dân trong khu vực được xét nghiệm ngay trong đêm đến sáng hôm sau phải có kết quả. Tất cả công việc được triển khai nhanh nhất có thể.

Có mặt trực tiếp cùng với lực lượng y tế tham gia truy vết F0, F1, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Đối với những trường hợp thuộc diện F1, sau khi được lấy mẫu xét nghiệm sẽ đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung, đồng thời tiếp tục truy xuất camera quán bún để truy vết cách ly F1.

“Dù mệt nhưng các thành viên trong tổ luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, cố gắng truy vết các F càng nhanh càng tốt, không bỏ sót, kịp thời cách ly, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Những tên, đường đi, lối lại, lịch trình đều được lực lượng truy vết ghi chép cẩn thận, đầy đủ. Đây chính là cơ sở cho việc xác định chính xác trường hợp cách ly và theo dõi sức khỏe.”- ông Nhường cho hay.

Trước đó, tại Khu công nghiệp An Đồn đã có hơn 9.000 mẫu được lấy trong hai ngày đêm. Hàng chục nhân viên y tế làm việc xuyên đêm. Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của những người trực tiếp chống COVID-19, nhưng không vì thế mà họ dừng bước. Ai cũng chung một quyết tâm: “còn dịch bệnh, còn chiến đấu”.

Từ ngày 18/5-21/5, TP. Đà Nẵng sẽ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 65.000 hộ gia đình nhằm vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phục vụ an toàn công tác bầu cử. Việc xét nghiệm theo hình thức mẫu gộp 10, bằng phương pháp Realtime -PCR.

Tiên phong xét nghiệm gộp

Trải qua nhiều đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đà Nẵng, cho biết: Công việc nhiều và áp lực lớn buộc anh em phải nỗ lực gấp 200% công việc bình thường. Các nhân viên truy vết không có khái niệm thời gian, chuyện xong việc lúc 1-2 giờ sáng, thậm chí là xuyên đêm, tranh thủ chợp mắt ngay trên nền đất là chuyện bình thường.

Trong 6 ngày (8-13/5/2021) đã có 69.544 người được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu và phát hiện được 8 ca dương tính.

“CDC Đà Nẵng chia thành nhiều tổ làm việc. Tổ truy vết là người đi tiên phong, tìm cặn kẽ lịch trình của các ca F0. Tổ nhập liệu nhập số liệu ở các quận huyện, xử lý trên máy tính. Tổ hướng dẫn các tổ COVID -19 cộng đồng. Tổ báo cáo cập nhật số liệu. Tổ xét nghiệm. Có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ nhau giữa các bộ phận này”- bác sĩ Nguyễn Tam Lãm chia sẻ.

Để đẩy nhanh tốc độ truy vết, khoanh vùng, dập dịch, Đà Nẵng đã có sáng kiến xét nghiệm gộp mẫu của 5 người trong cùng ống nghiệm, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác. Việc lấy mẫu xét nghiệp gộp nhóm đã được Đà Nẵng thực hiện tháng 8/2020, khi thành phố là tâm dịch trong làn sóng COVID-19. Nhờ chiến lược xét nghiệm này, đợt dịch thứ hai, thành phố đã khoanh vùng, truy vết toàn bộ các khu vực có ca nghi nhiễm từng ở hoặc từng đến, lấy mẫu đại diện trong toàn dân và khống chế được dịch trong một tháng.

Theo ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, thành phố đã kiểm chứng phương pháp này, cho thấy không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Bước vào đợt dịch năm 2021, CDC Đà Nẵng đẩy mạnh thêm một bước nữa đó là ống gộp 10 mẫu. Và khả năng trong phòng xét nghiệm thì gộp hai ống (10 mẫu) thành ống 20 mẫu để vừa đẩy nhanh kết quả xét nghiệm và tiết kiệm hơn.

“Với phương pháp này, ngoài việc tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn và quan trọng hơn cả là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, nâng năng lực xét nghiệm lên hơn 22.000 mẫu/ngày trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực.” – bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho hay.

CDC Đà Nẵng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng đang tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên các hãng taxi, grap bike, tiểu thương, công nhân KCN và các khu dân cư trên địa bàn thành phố để sớm phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Ghi nhận những nỗ lực của thành phố, ngày 16/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy vết thần tốc chống COVID-19: Bài học từ Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO