Trượt lở đất đá tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên): Cần lồng ghép các cơ chế hỗ trợ

Mai Đan - Hoàng Ngân| 09/09/2020 09:17

(TN&MT) - Vào mùa mưa lũ hằng năm, hiện tượng trượt lở đất đá thường xuyên xảy ra ở các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền núi. Theo các nhà địa chất, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quá trình tự nhiên và tác động nhân sinh. Để phòng, chống cũng như hạn chế tình trạng này, bên cạnh công tác cảnh báo thiên tai, cần lồng ghép các cơ chế hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng.

Trượt lở đất đá gây thiệt hại lớn về tài sản

Cũng như một số tỉnh có nguy cơ cao xảy ra tai biến địa chất, Thái Nguyên là tỉnh miền núi phía Bắc đang có nhiều điểm nằm trong danh sách các điểm thường xuyên hứng chịu trượt lở đất đá. Huyện Định Hóa là một trong những huyện được đánh giá có nguy cơ cao xảy ra hiện tượng này, đặc biệt sau trận mưa lớn năm 2017. Theo khảo sát của nhóm phóng viên Báo TN&MT tại sườn phía Tây của đồi Thẩm Hỏi, thôn Hội Tiến, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa; địa hình khu vực này vẫn là đồi núi thấp, được che phủ bởi rừng trồng keo, quế và chè. Nếu quan sát bằng mắt thường, ít ai có thể biết được đây là khu vực đang xảy ra nguy cơ trượt lở rất cao.

Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Lê Xuân Dương - người dân sống dưới chân đồi Thẩm Hỏi cho biết: Sau khi cơn bão số 6 năm 2017 gây ra mưa lớn nhiều ngày, hiện tượng nứt đất và sụt lún bắt đầu xảy ra. Đã có một phần khối vật liệu trượt vào lưng tường nhà, gia đình đã phải thuê máy xúc vận chuyển một khối lượng lớn vật liệu này. Trận bão đó cũng đã làm đổ sập căn nhà rộng khoảng 30 m2 của cụ Tống Thị Thung (mẹ vợ ông Dương). Theo quan sát, hiện nay, vẫn có một khối lượng đất đá dưới chân taluy vẫn tiếp tục trượt xuống gây nứt nền nhà, sân gia đình và ảnh hưởng đến nhà ông Trương Văn Khang (cạnh nhà ông Dương).

Mưa lớn nhiều ngày do cơn bão số 6 năm 2017 đã làm đổ sập căn nhà rộng khoảng 30 m2 của cụ Tống Thị Thung 

Theo ghi nhận của đoàn khảo sát Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), phía trên đồi chè phát hiện các khe nứt có độ mở từ 0,3-0,4m đến 0,7-0,8m làm đất bị lún xuống thành từng bậc với độ chênh cao từ 0,4-0,6m đến 0,9-1m. Trên vách bị sụt lún, lộ sản phẩm phong hóa mạnh với các thành phẩm bột, sét lẫn các mảnh vụn đá.

Hiện tại, trên sườn núi có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, mức độ nguy hiểm rất lớn. Đoàn khảo sát đã cảnh báo, nâng cao ý thức cảnh giác cho các gia đình đang sinh sống dưới chân khối trượt, nhất là vào những ngày có mưa dài. Bên cạnh đó, đoàn cũng khuyến cáo chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại 2 đầu đoạn đường Quốc lộ 3C (phía dưới cung trượt).

Ông Phạm Quốc Hùng - chủ trì nhiệm vụ điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tại tỉnh Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) báo cáo tình hình trượt lở đất đá tại huyện Định Hóa với thành viên đoàn kiểm tra của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và PV Báo TN&MT

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Hóa, mặc dù thời gian gần đây, tình trạng sạt lở đất đá không gây thiệt hại về người nhưng lại gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Gần đây nhất, vào tháng 4/2020, trong đêm khuya, vạt núi đá vôi tại xóm Nà Khao (xã Trung Hội, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) bất ngờ xảy ra sạt lở, hàng trăm m3 đất đá đổ ập xuống vùi lấp hoàn toàn ngôi miếu tại địa phương và hơn 720 m2 đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Địa chất và Khoáng sản trao đổi với PV Báo TN&MT

Theo ông Phạm Quốc Hùng - chủ trì nhiệm vụ điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tại tỉnh Thái Nguyên (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản), núi đá vôi cao khoảng 70m, với thành phần đá vôi bị phong hóa yếu. Trên thân núi, đá bị nứt nẻ, dập vỡ mạnh, hệ thống khe nứt chính phát triển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là nguyên nhân gây hiện tượng đá đổ, đá lở, trượt theo mặt lớp.

Chủ động phương án ứng phó cho những vùng có nguy cơ sạt lở

Nhận định về các hiện tượng trượt lở đất đá, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Địa chất và Khoáng sản (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng có 2 nguyên nhân chính gây trượt đất là quá trình tự nhiên và tác động của con người. Trong đó, nguyên nhân tự nhiên như áp lực nước ngầm (nước lỗ rỗng) làm mất ổn định mái dốc, thay đổi kết cấu đất, động đất, mưa lớn,.... Ngoài ra, còn các tác động của con người như phá rừng, trồng trọt, và xây dựng.

Ông Lý Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Nhiều xã trên địa bàn huyện có địa hình phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi các khe suối. Trên địa bàn huyện có nhiều lần xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá, lũ quét với quy mô khác nhau, có lần sạt lở làm sập nhà ở và các công trình xây dựng khác, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hiện tượng sạt lở, lũ quét xảy ra rải rác trên một số khu vực của các xã trên địa bàn huyện, và chủ yếu dọc trục đường quốc lộ 3C và đường Hồ Chí Minh.

Hồi tháng 4/2020, vạt núi đá vôi tại xóm Nà Khao (xã Trung Hội, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) bất ngờ xảy ra sạt lở, hàng trăm m3 đất đá đổ xuống

“Trước mối lo ngại về tình trạng sạt lở đất, đá, nhất là trong mùa mưa bão, UBND huyện đã xây dựng đề án, đồng thời vận động nhân dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện đang gặp khó khăn về kinh phí và quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 1 điểm bố trí ổn định dân cư tại xã Linh Thông cho 32 hộ thuộc những vùng có nguy cơ sạt lở cao”, ông Lý Văn Thắng thông tin.

Để chủ động phòng, chống giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch cảnh báo thiên tai trên địa bàn, đặc biệt là các vùng có nguy cơ sạt lở cao. UBND huyện cũng theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo trên các loại phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến mưa lũ để chủ động phòng tránh và tuyên truyền đến người dân.

Ông Lý Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho rằng cần lồng ghép các cơ chế hỗ trợ khác cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa mong muốn Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có phương án với những vùng có nguy cơ sạt lở, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tiếp tục đầu tư xây dựng khu ổn định dân cư để đảm bảo an toàn và ổn định đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, nâng mức hỗ trợ với những hộ phải di dời, đồng thời, lồng ghép các cơ chế hỗ trợ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trượt lở đất đá tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên): Cần lồng ghép các cơ chế hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO