Trường Sa xanh, sạch, mạnh - Bài 1: Công viên xanh giữa trùng khơi
(TN&MT) - Tôi có may mắn được đi thăm Trường Sa lần đầu tiên vào năm 1996. Các năm sau đó, tôi được đi lần thứ hai, thứ ba… Và năm 2024 này, tôi được đi lần thứ sáu. Mỗi chuyến đi, tôi lại cảm nhận được quần đảo này xanh hơn, sạch hơn và mạnh hơn…
Gần ba chục năm về trước, các đảo ở Trường Sa phần lớn chỉ là cát và san hô phong hóa, cây xanh có rất ít và chủ yếu là cây “bản địa” như: Phong ba, bàng vuông, mù u... Nay thì Trường Sa như một công viên xanh giữa biển khơi với rất nhiều cây xanh và hoa đã được “huấn luyện” quen với môi trường biển đảo.
Cây xanh trên quần đảo Trường Sa trước kia chủ yếu là cây “bản địa” có sẵn trên các đảo như: Phong ba, bàng vuông, mù u… Nay thì thêm rất nhiều loài cây từ đất liền chuyển đến như: Dừa, phi lao, tre, keo, bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân và dân trên đảo. Mỗi đảo giờ đây như một “Công viên xanh” giữa biển khơi với rất nhiều loài hoa đã được “huấn luyện” quen với môi trường biển đảo như hoa giấy, hoa mười giờ, hoa cúc…
Đại úy Đinh Tiến Dũng - Chính trị viên cụm đảo Nam Yết kể rằng: Việc trồng cây xanh trên các đảo, không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ giảm bớt căng thẳng sau giờ làm việc, mà ở đó còn là phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị. Mỗi lượt cán bộ, chiến sĩ ra công tác tại đảo sẽ trồng từ 5 đến 10 cây. Trong trường hợp đảo đã hết diện tích phù hợp trồng mới, các chiến sĩ sẽ chăm sóc cây non để gửi tặng các đảo khác.
Thiếu tá Nguyễn Văn Trường - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết: Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, bóng mát, mà còn là những phên dậu che chắn gió bão, góp phần vào hoạt động phòng thủ, chiến đấu của quân và dân trên đảo. Thổ nhưỡng ở quần đảo Trường Sa nói chung và ở đảo Trường Sa Đông nói riêng chủ yếu là cát mặn, san hô phong hóa nên đất trồng rau, ươm cây bóng mát hầu như phải vận chuyển ra từ đất liền. “Cái khó ló cái khôn”, cán bộ chiến sĩ ở đây đã tận dụng các loại lá cây khô từ những cây “bản địa” tại đây như cây phong ba, cây bão táp, thức ăn thừa để ủ mục, tạo thành nguồn phân hữu cơ tự nhiên bón cho cây. Để hạn chế độ mặn bám phủ, đơn vị cử người tưới cây mới trồng vào sáng sớm.
Đến đảo Tốc Tan B, chúng tôi gặp Binh nhất Trương Văn Thắng, quê ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa và Hạ sĩ Nguyễn Nhất Kha quê ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đang chăm sóc những khay rau muống, rau mồng tơi xanh mướt. Binh nhất Thắng kể rằng, sau một ngày huấn luyện căng thẳng, việc chăm sóc rau xanh cũng là hình thức thư giãn. “Chúng cháu thấy cây rau lớn lên hằng ngày, thích lắm bác ạ” - Thắng thổ lộ với tôi.
Quả thật, nhìn những chiếc lá rau mồng tơi to bằng bàn tay người chiến sĩ, những quả bầu dài tới nửa mét, những cây đu đủ trĩu quả… giữa đảo xa đầy sóng gió mới cảm phục sự kiên trung và yêu đời của những chủ nhân nơi đây.
Đại úy Đinh Tiến Dũng - Chính trị viên cụm đảo Nam Yết kể rằng: Việc trồng và chăm sóc rau xanh trên đảo là cả một nghệ thuật bởi nếu không biết cách “chiều rau” thì rau sẽ bị chết bởi nước muối. Ngay cả nước mưa ngoài đại dương cũng có chứa một lượng muối nhất định, nếu mưa thẳng xuống sẽ khiến cho rau xanh bị táp. Qua quá trình quan sát và tích lũy kinh nghiệm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền nhau “bí quyết” sử dụng nước mưa hiệu quả nhất, đó là sử dụng hồ lắng. Những hồ lắng này có thể làm bằng thùng phuy, hoặc đơn giản hơn là đào hố lót nylon. Lâu ngày, trong hồ lắng sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Đây mới là nguồn nước tưới chủ yếu cho cây, nhất là các loại rau xanh ngắn hạn.
Cũng nhằm để tránh gió biển mặn mà các vườn rau phải được quây kín bằng tôn hoặc tường chắn. Có mái che cơ động tránh nắng gắt và tránh nước mưa vào gốc cây. Ngoài các vườn rau “chủ lực”, bộ đội và nhân dân trên các đảo còn tận dụng tất cả các góc khuất gió và có nắng để trồng các loại rau gia vị... tạo ra một lượng rau xanh dồi dào, bốn mùa xanh tốt để bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Ngoài đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của quân và dân trên các đảo, lượng rau xanh từ Trường Sa còn được dùng như là món quà quý để tặng bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa đất liền.
Được nhận túi rau muống xanh mướt từ cán bộ chiến sĩ trên đảo Nam Yết, anh Nguyễn Đức Công - thuyền trưởng một tàu đánh cá, quê ở Quảng Ngãi xúc động nói: “Chúng tôi đi biển dài ngày, thèm rau xanh lắm. Nhận bó rau này, chúng tôi chẳng biết nói gì ngoài lời cám ơn từ đáy lòng”.
Đó là nhận xét của nhiều người trong đoàn công tác của chúng tôi đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mới đây. Khách đến thăm đảo Tốc Tan B rất ngạc nhiên bởi đảo có diện tích khá khiêm tốn, vậy mà trên đảo có vườn hoa rất bắt mắt với các loại hoa giấy, hoa hồng, hoa mười giờ, hoa mẫu đơn… Đặc biệt, trên đảo còn có 2 con cò bay lạc vào đảo. Anh em trên đảo chăm sóc, cho ăn hằng ngày. Cò trở nên dạn dĩ với người. Một con luôn đậu ở vườn hoa của đảo, còn một con thì thường xuyên đậu trên mái che của vườn rau. Đại úy QNCN Nguyễn Hoàng Kiên là y sĩ trên đảo kể rằng: Không chỉ anh em trên đảo mà các ngư dân qua đây cũng rất yêu mến hai chú cò này. “Con cò gắn với cánh đồng lúa Hải Phòng quê em. Chăm sóc cò làm cho em vơi đi nỗi nhớ nhà” - y sĩ Nguyễn Hoàng Kiên thổ lộ.
Rác thải trên các đảo ở Trường Sa được thu gom và xử lý theo đúng quy trình. Rác hữu cơ sẽ được xử lý ngay tại đảo bằng cách chế biến cho chăn nuôi hoặc ủ phân để bón cây. Còn rác vô cơ được đóng gói để gửi theo các tàu đưa vào đất liền xử lý. Với các đơn vị quân đội, ngày thứ Bảy được gọi là Ngày tình nguyện, ngày chủ nhật được gọi là Ngày chủ nhật xanh. Trong hai ngày nghỉ cuối tuần này, các chi đoàn, liên chi đoàn tại các đảo tổ chức cho đoàn viên, thanh niên cùng cán bộ, người dân ở đảo tham gia thu gom rác thải quanh đảo, trồng và chăm sóc cây xanh. Đặc biệt, trên tất cả các đảo, mọi người đều chú trọng việc phân loại rác từ nguồn. Việc quyết liệt từ những hành động nhỏ bé như vậy đã giúp quân và dân giữ gìn Trường Sa xanh, sạch, đẹp; bảo vệ môi trường biển.
Làm việc với các đồng chí lãnh đạo Vùng 4 Hải quân (đơn vị quản lý các đơn vị hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa), chúng tôi được biết Đảng ủy Vùng đã có hẳn một nghị quyết chuyên đề về “xanh hóa Trường Sa”, huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống cây xanh, giống rau và vật tư, phân bón để thực hiện phủ xanh và làm đẹp các đảo. Để chủ động tạo giống cây trồng, tại Vùng 4 Hải quân có 2 vườn ươm cây giống với diện tích khoảng 3.000m2. Đơn vị đã nghiên cứu kĩ về thổ nhưỡng, khí hậu để chăm sóc tốt cây con trước khi được đưa ra trồng trên các đảo. Phòng Hậu cần Vùng 4 Hải quân cũng tư vấn, tham mưu giúp Bộ Tư lệnh vùng chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên quần đảo Trường Sa chuẩn bị giống rau, giống cây trồng, những dụng cụ chuyên dùng và tập huấn cách chăm sóc giúp các đơn vị trên các đảo tăng gia hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.
Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ
Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương
Địa chỉ: 61 Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Bài 2 : Những cột mốc hiên ngang trên biển
Trình bày: DŨNG THI