Trong giai đoạn 2010-2015, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã thực hiện được 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 30 đề tài cấp bộ và 31 đề tài cấp cơ sở. Các nghiên cứu trong thời gian này chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ dự báo từ hạn ngắn đến hạn mùa ứng dụng trực tiếp trong nghiệp vụ; khai thác các nguồn số liệu mới; xử lý, lưu trữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khai thác thông tin khí tượng thủy văn. Có thể kể đến một số thành tựu nổi bật như: Ứng dụng các mô hình mới trong nghiệp vụ dự báo góp phần cải thiện đáng kể chất lượng dự báo; Khai thác nhiều nguồn số liệu mới (sản phẩm dự báo từ các mô hình toàn cầu được thu thập và khai thác trong dự báo từ quy mô hạn ngắn đến hạn mùa như GFS của Mỹ, GME của Đức, GSM của Nhật, NOGAPS của Hải quân Mỹ; IFS của ECMWF,…; số liệu viễn thám; số liệu tái phân tích;….).
Một số thành tựu khoa học công nghệ đã được giới thiệu tại cuộc trưng bày
Xây dựng hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn đến hạn mùa cho khu vực Việt Nam đang được áp dụng triển khai nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và đang từng bước chuyển giao đến các Đài khu vực (Hệ thống dự báo hạn ngắn SREPS, hệ thống dự báo tổ hợp thời tiết hạn vừa NAEFS, hệ thống dự báo thời tiết hạn tháng và hạn mùa trên hệ thống VarEPS của ECMWF,…)
Hệ thống mô hình dự báo thời tiết WRF phân giải cao (5km) cùng với hệ thống đồng hóa số liệu 3DVAR được triển khai nghiệp vụ phục vụ dự báo mưa lớn miền Trung, Tây Nguyên trong đó đã đồng hóa được số liệu ra đa Doppler.
Phương pháp lọc; phương pháp thống kê hiện đại giúp tăng cường đáng kể chất lượng dự báo bằng các mô hình số. Hệ thống dự báo điểm từ mô hình toàn cầu GSM dựa trên phương pháp thống kê sau mô hình được triển khai nghiệp vụ từ năm 2012 cho đến nay.
Đã xây dựng một số công nghệ dự báo thủy văn cho các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đã được triển khai trong giai đoạn này: công nghệ phân tích, giám sát, cảnh báo và dự báo ngập lụt, hạn hán cho hệ thống sông Ba, các sông ở Bình, Quảng Trị,…và tiếp đến là các sông ở Bình Định, Khánh Hòa.
Hoàn thiện hệ phần mềm xử lý số liệu khí tượng, hải văn. Sản phẩm này góp phần tự động hóa quá trình xử lý số liệu thay thế việc xử lý thủ công tại các trạm như hiện nay.
Ứng dụng công nghệ thông tin triển khai xây dựng giải pháp quản lý mạng lưới trạm KTTV; phổ biến thông tin KTTV trên thiết bị di động.
Những kết quả, công trình nghiên cứu khoa học của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đã được đánh giá cao và đang từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, cung cấp cơ sở khoa học cho chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao đến các đơn vị trực thuộc Trung tâm.
Lê Thu Hạnh