Hậu quả khôn lường khi lây nhiễm chéo Covid-19 trong bệnh viện |
Một chuyên gia nhấn mạnh rằng các nhân viên y tế ở tuyến đầu đã phải “trả giá” quá đắt trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và cảnh báo số lượng lớn nhân viên y tế bị nhiễm bệnh làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Ngày 14/2, Trung Quốc cho biết tổng cộng 1.716 nhân viên y tế đã bị nhiễm căn bệnh này.
Con số này cao hơn nhiều so với ghi nhận trong đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2002-2003, gây ra bởi chủng virus cùng họ mặc dù số ca nhiễm Covid-19 được xác minh nhiều hơn gấp 12 lần.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 13/2, Zeng Yixin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nhân viên y tế bị nhiễm bệnh chiếm 3,8% trong tổng số ca nhiễm Covid-19 tại lục địa Trung Quốc, với 1.502 từ tỉnh Hồ Bắc, 1.102 người từ thành phố Vũ Hán của tỉnh này. “6 nhân viên y tế đã chết vì căn bệnh này vào hôm 10/2”, Zeng nói.
Đầu tuần này, Báo South China Morning Post đưa tin đã có ít nhất 500 trường hợp được xác nhận và 600 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên y tế.
Zeng Yixin cho biết: “Kẻ thù” (virus corona) ở trong bóng tối. Nhận thức của các bác sĩ về bệnh không truyền nhiễm là không mạnh. Họ đã không có các biện pháp bảo vệ bản thân khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào”.
Theo bà Zeng, các nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng buộc phải đương đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 mà không có quần áo và khẩu trang bảo hộ thích hợp.
“Các bác sĩ ở Vũ Hán không có đủ đồ bảo hộ và họ buộc phải ra “tiền tuyến”. Họ đã phải trả giá quá đắt” - Zeng Yixin nhấn mạnh.
Số lượng lớn các nhân viên y tế mắc bệnh làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Khi các bác sĩ mắc bệnh, họ có thể lây bệnh cho bệnh nhân và gây nhiễm trùng chéo. Đó là lý do tại sao Mỹ yêu cầu các bác sĩ phải tiêm vắc-xin cúm để tránh lây lan cho bệnh nhân.
Giáo sư Joseph Lau Tak-fai của Trường Y tế Công cộng và chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết hơn 1.500 người mắc bệnh trong số các nhân viên y tế là một con số đáng kể.
Ông cho biết trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhiều bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng và các bác sĩ có thể không nhận thức được họ đang truyền nhiễm.
“Ở giai đoạn thứ hai, mặc dù các nhân viên y tế đã nhận thức được sự lây truyền từ người sang người nhưng họ vẫn phải đương đầu với cuộc chiến chống Covid-19, thậm chí không có đủ đồ bảo hộ” – Giáo sư Lau cho biết.
Giáo sư Lau cho rằng nguy cơ đối với các nhân viên y tế ở Trung Quốc đã trầm trọng hơn do sự căng thẳng của hệ thống y tế nhưng Hồng Kông (Trung Quốc) khó có thể gặp phải tình hình nghiêm trọng như ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc sự bùng nổ của Sars vì nơi đây được chuẩn bị tốt hơn và hiện chưa có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19.
Khẳng định lây nhiễm trong bệnh viện là một vấn đề đáng lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Việc nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình để không bị lây bệnh là điều cực kỳ quan trọng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Lây nhiễm trong bệnh viện là mối lo ngại cho tất cả các quốc gia đang đối phó với Covid-19”.
Hiện vẫn chưa rõ về quy mô của nhiễm trùng chéo trong nhân viên y tế trong bệnh viện.
Ông Huang Chaolin, Phó Giám đốc bệnh viện Jinyintan Vũ Hán bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh Covid-19 vào ngày 17/11 và đã nhiễm bệnh 5 ngày sau đó.
Trả lời báo China Newsweek, Huang cho biết ông đã bị lây nhiễm từ hai bệnh nhân không có triệu chứng khi ông gặp họ vào ngày 10/1.
Ban đầu, ông nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh và tiếp tục làm việc tại bệnh viện, thậm chí còn tổ chức cuộc họp với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bắc Kinh vào ngày 19/1.
Chính phủ trung ương đã động viên tinh thần các nhân viên y tế tuyến đầu qua việc ca ngợi họ như những anh hùng và tặng tiền mặt và các phần thưởng khác cho họ.