Trồng rừng - Bảo vệ “lá phổi xanh”

15/05/2018 20:58

(TN&MT) - Thời gian qua, việc lấn chiếm đất rừng để nuôi trồng thủy sản, tình trạng chặt phá rừng, nhu cầu thu hồi đất rừng để làm khu công nghiệp (KCN) đã thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Do vậy, việc trồng rừng, khôi phục hệ sinh thái là việc làm cấp bách không chỉ của chính quyền, các cơ quan chức năng mà là của toàn xã hội.  

brvt2


Hồi sinh cho rừng

Từ bến Mương Đào (ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), anh Nguyễn Minh Quyết chở chúng tôi xuôi dòng Thị Vải trên chiếc xuồng máy. Anh Quyết kể: “Những năm 2007 - 2008, sông Thị Vải đen đặc, cá tôm chết vì ô nhiễm. Những cây đước to bị người ta chặn hạ để dành chỗ mở KCN. Tôi bỏ ghe, bỏ sông lên bờ làm tài xế. Sau khi vụ một DN xả thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải bị phanh phui và chính quyền thực hiện nhiều giải pháp “cứu” sông thì từ năm 2010 nước sông dần cải thiện, nhiều diện tích rừng ngập mặn đã bắt đầu được khôi phục và trồng mới. Đến năm 2013 sông Thị Vải đã trong xanh, những rừng đước đã bắt đầu sinh sôi, cá tôm phát triển trở lại nên dân chúng tôi cũng nhờ đó sống được với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông”.

Vừa kéo rập, anh Nguyễn Văn Hò (tổ 4, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) vui mừng: “12 giờ đêm tôi bủa rập ven rừng ngập mặn sông Thị Vải, đến 9 - 10 giờ sáng hôm sau thì dong ghe kéo rập các loại cá bống, cá đục, cua, ghẹ... Khoảng 5 năm nay, nhờ nước sông Thị Vải bớt ô nhiễm, rừng ngập mặn được khôi phục nên cá tôm có chỗ trú ngụ, nếu chăm chỉ, mỗi ngày tôi cũng kiếm được 300 - 500 ngàn đồng”. Theo Hạt kiểm lâm huyện Tân Thành, có những thời điểm diện tích rừng ngập mặn của huyện Tân Thành giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.000 ha, người dân bỏ nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Nhờ chủ trương trồng rừng, từ năm 2016 đến nay diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn huyện đã lên đến gần 2.800ha.
 

BRVT1


Ông Châu Anh Đức, Trưởng Phòng Quản lý rừng, BQL Rừng phòng hộ tỉnh cho biết, theo dự án “Bảo vệ và phát triển rừng năm 2017”, BR-VT đã trồng mới 197,49ha rừng ngập mặn tại các xã: Tân Hòa, Tân Hải và Phước Hoà (huyện Tân Thành), Long Sơn (TP.Vũng Tàu)… với 2 loại cây chủ yếu là đước và bần. Đây là một trong nhựng mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng và nhân rộng mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị suy thoái tại các đầm, nuôi thủy sản theo hướng lâm - ngư kết hợp dựa vào cộng đồng… của ngành NN&PTNT đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nếu rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” bảo vệ vùng bờ sông, cửa biển, hạn chế xói lở thì rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên cạn lại có vai trò như những “bức tường xanh” giúp điều hòa khí hậu, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, chống lại với biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo cảnh quan môi trường… Theo Trạm Kiểm lâm rừng Xuân Sơn, rừng Xuân Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Xuân Sơn, Sơn Bình và Suối Rao (thuộc huyện Châu Đức). Khu rừng này có tổng diện tích 338 ha, được lâm trường Châu Thành (cũ) trồng vào năm 1980 trên nhiều khu đất trống, đồi trọc. Lúc bấy giờ, công việc trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, công nhân phải phát quang bụi lùm, cỏ dại, ươm cây giống, vận động người dân giao đất để trồng rừng. Sau nhiều năm vất vả trồng mới và chăm sóc, rừng Xuân Sơn nay đã xanh tốt. Đến nay toàn bộ 338ha diện tích rừng Xuân Sơn đã được phủ xanh bởi những cây gỗ quý như: muồng đen, gõ đỏ, sao, dầu… cao từ 20m - 25m.
 

brvt3


Đầu tư hơn 100 tỷ đồng để trồng rừng

Nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, cuối tháng 3/2018, UBND tỉnh BR-VT đã phê duyệt kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, giai đoạn này, toàn tỉnh dự kiến trồng 3.390ha rừng và 131.000 cây phân tán, với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng. Trong đó có trên 63 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Theo đó, nguồn kinh phí xã hội hóa một phần được trích từ Quỹ phát triển rừng được thu từ các nguồn cho đơn vị, DN thuê môi trường rừng để kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh còn có chủ trương giao khoán rừng cho người dâ, từ đó, người dân được tự chủ làm kinh tế trên đất lâm nghiệp nhưng có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.
 

brvt4


Theo Sở NN&PTNT, mục tiêu của kế hoạch này là làm tăng độ che phủ rừng; nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh bằng cách trồng, chăm sóc rừng trồng và cây phân tán. “Với kế hoạch trồng rừng và cây phân tán như trên, dự kiến đến năm 2020, độ che phủ của rừng sẽ đạt 15 - 17% (tính cả cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm là 52%) so với đất tự nhiên toàn tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động nghề rừng thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, tham gia các hoạt động du lịch dưới tán rừng, trồng rừng, khai thác rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ như điều, cao su…”, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết.

Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh BR-VT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các giải pháp đồng bộ, nhằm bảo vệ rừng tự nhiên, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, phát triển rừng trồng trên diện tích đất chưa có rừng có khả năng trồng rừng, bảo vệ và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 26.800ha, trong đó rừng đặc dụng trên 16.000ha, rừng phòng hộ trên 10.090ha, còn lại là rừng sản xuất. Dự kiến đến năm 2020, GDP lâm nghiệp đạt khoảng 6 - 7 % GDP của ngành nông nghiệp - nông thôn; khai thác rừng trồng 3.425 ha để cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy và xuất khẩu, hàng năm khai thác khoảng 9.000 - 11.000 m3 gỗ, 3.000 tấn củi bảo đảm cung cấp các nhu cầu gỗ, củi phục vụ xây dựng cơ bản và dân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng - Bảo vệ “lá phổi xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO