Với đề xuất chặt cây xanh trên 200 tuyến đường của Sở Xây dựng Hà Nội, người dân Thủ Đô thở dài không biết bao giờ mới trồng lại được những cây xanh trên và chi phí khổng lồ này người dân lại phải gánh.
“Trồng một cây xanh hàng trăm năm, bao nhiêu là công chăm sóc, chi phí bảo dưỡng và ích lợi mang lại cho người dân thật là lớn lao. Thế nhưng chỉ một quyết định, hàng ngàn cây xanh bị chặt bỏ không thương tiếc. Biết bao nhiêu năm sau con cháu chúng ta mới được hưởng lợi ích từ cây xanh trên 200 tuyến đường “trọc lóc” này?” - bạn đọc Thanh Hùng mỉa mai “dự án tàn sát cây xanh” của TP Hà Nội
Có lẽ chưa bao giờ ở nước ta có một đề xuất đốn hạ cây xanh lớn như thế. Ngay tại TP HCM khi có dự án phải chặt bỏ vài chục cây xanh thì người dân đã lên tiếng phản ứng dữ dội. Nay 6.700 cây xanh phải bị triệt hạ thì thử hỏi ai chẳng đau lòng. Với số lượng cây xanh phải trồng lại khổng lồ như thế này không biết TP Hà Nội phải làm trong bao lâu, chăm sóc như thế nào và liệu còn bao nhiêu “dự án” tương tự? Bạn đọc Nguyễn Văn Tâm, phân tích: “Ngay cả những tuyến đường mới làm hiện nay mà bao nhiêu năm mới trồng được vài chục cây xanh oặt ẹo, nhỏ xíu mà còn chết lên chết xuống thì hy vọng gì tái tạo được những hàng cây cổ thụ đã bị chặt phá”.
Tất nhiên, lý lẽ mà các cơ quan chức năng đưa ra như cây hư mục, cong quẹo, sâu bệnh... thì khó ai cãi lại, nhưng việc giám sát thực hư của những cây này như thế nào thì ai biết được. Mà dư luận bức xúc, nghi ngờ cũng có lý do. Bao nhiêu năm qua không nghe nói gì, nay bỗng dưng “phát hiện” cùng lúc đến 6.700 cây trên 200 tuyến đường bị sâu bệnh, không thích hợp... thì cũng rất ngạc nhiên.
“Nghe Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng số cây được thay thế do UBND các quận khảo sát, báo cáo khiến chúng ta không khỏi ngán ngại. Việc xác định cây sâu bệnh, già cỗi, không đúng chủ loại... phải cần chuyên gia chuyên ngành tìm hiểu, nghiên cứu mới kết luận được. UBND các quận, huyện tìm đâu ra các chuyên gia như thế này mà báo cáo lên TP đề xuất chặt bỏ. Không khéo lại “thực hiện theo chủ trương” của TP rồi máy móc báo cáo thì tội nghiệp cho cây xanh, cho người dân quá” - bạn đọc có tên Hãi Hùng đặt vấn đề.
Trồng một cây xanh từ khi nhỏ cho đến khi trưởng thành bên lề đường tốn kém rất nhiều: tiền mua giống cây, chăm sóc bảo dưỡng, bảo vệ... Hằng năm, một thành phố phải chi ra cả trăm tỉ đồng để trồng và bảo dưỡng cây xanh. Nên mỗi một cây ngã đổ là người dân lại lo ngại đến việc tốn tiền.
“Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng nguồn kinh phí trồng mới cây xanh lấy từ nguồn vốn xã hội hóa, nhưng xã hội hóa từ đâu, doanh nghiệp nào tài trợ và tài trợ bao nhiêu thì đến nay chưa nghe ai nhắc đến. Nếu trường hợp nguồn xã hội hóa không thực hiện được thì người dân cũng phải è cổ ra mà gánh thôi. Rồi chưa kể đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện... điều này người dân đã thấy nhiều rồi” - nhiều bạn đọc nói thẳng. Không ít bạn đọc chỉ rõ: “Cứ đến những tuyến đường mà những năm trước TP đã chặt cây rồi trồng lại thì sẽ thấy rõ nó như thế nào: què quặt, lỏi chỏi, thấp tè tè, nắng chang chang”.
Dù sao “dự án trảm cây xanh” này đã được nhiều cơ quan chức năng đồng ý nên dù người dân có nói gì thì nó sẽ vẫn được thực hiện. Chỉ tội nghiệp thế hệ chúng ta và cả con cái phải chờ trong hy vọng vài chục năm nữa mới có thể hít thở khí trời trong lành, mới có thể dạo mát dưới bóng cây xanh trên 200 con đường này. Những con đường đẹp đẽ, một thời in đậm trong ký ức của người Hà Nội, những con đường lãng mạn đi vào thơ, nhạc của bao con người đành đi vào dĩ vãng. Thôi đành ngậm ngùi nhại lại bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải: “Hà Nội thời này vắng những bóng cây...”.
Theo Người Lao Động