Xã hội

Trồng "cây đội đất" thoát nghèo

Việt Hải 30/05/2023 - 14:28

(TN&MT) - Điện thoại cho Sốp mấy lần không bắt máy, quá trưa anh mới oang oang gọi lại cho tôi, giọng cà lắc cà lơ đùa vui: “Chắc măng tre nó mọc dữ quá nên sóng điện thoại nó chập chờn, chập chờn hoài, mình gọi lại mấy lần không có được”.

Nguyễn Văn Sốp - người xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, chủ nhân của gần 300 gốc tre đang cho thu hoạch. Vẫn giọng đùa vui, anh nói anh “giàu” lắm, anh không chỉ là ông chủ của 300 gốc tre mà từng là ông chủ của cả trăm gốc cao su, vài héc-ta mì, mía. Nhưng mấy ai hiểu được lòng trời rộng dài cỡ mấy, trở mặt chóng vánh ra sao để chăm cây, thế nên tốn tiền hao của đầu tư, loay hoay làm lụng tối ngày mà năng suất bấp bênh, giá cả lúc trồi lúc sụt, cái nghèo cứ thế đeo bám. Suy nghĩ mãi, khó khăn lắm anh mới cất đi “giấc mơ tiền tỷ” từ cây cao su để chuyển sang trồng tre lấy măng.
Sở dĩ chọn tre vì đây vốn là cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, Cầu Khởi lại là vùng đất không úng nước, chất đất hợp với sinh trưởng của măng tre. Bằng quan sát của anh bấy nay, hom tre đặt vào đất là bén rễ, xanh tươi, ít cần phân bón hay tưới tắm như các loài cây khác.
2.-nhung-bup-mang-tre-dang-cho-thu-hoach-1-.png
Những búp măng tre đang chờ thu hoạch
Còn một lý do để anh chọn cây măng tre cho mục đích thoát nghèo, đó là thời gian từ khi trồng đến thu hoạch măng chỉ tầm 6 đến 7 tháng, trong khi anh đang rất cần những khoản thu nhập “nóng” để trang trải cho những thua lỗ do canh tác không phù hợp trước đây. Với những người không trường vốn như anh và khi nguồn vốn đầu tư cơ bản từ việc vay ngân hàng chính sách xã hội của huyện thì việc “tiền liền tay” cũng mang lại cảm giác an toàn hơn.
Cái cảm giác an toàn ấy, theo anh, nó được nhân lên khi mỗi lần đi thăm vườn, chứng kiến dưới bóng tre râm mát và tiếng lá lao xao là những búp măng mập mạp đội đất lên, mười búp như một, khỏe khoắn đón ánh mặt trời. Nhìn cây, anh thấy vui vì đất đai đã mở lòng ra với anh.
Đúng là cây tre chịu khó chịu thương và dễ tính như người nông dân, nhưng đó chỉ mới đúng một phần và đúng với những người trồng tre để giữ đất, chứ chưa hẳn đúng với việc trồng tre để lấy măng. Nghĩ vậy, bắt tay vào đầu tư, anh tìm đến sách vở học cách chăm sóc sao cho cây tre sinh ra những búp măng to, đẹp. Trước khi găm nhánh tre để trồng, anh cho đào hố sâu khoảng 60cm rồi bón lót phân chuồng. Với đặc tính tán rộng, rễ chùm ăn nông và ưa nắng, anh đã tính khoảng cách để mỗi hố trồng cách nhau khoảng 3m, mỗi hàng tre cách nhau 7m, là khoảng cách đủ cho cây đón nắng, hút dưỡng chất và phát triển đều.
1.-cac-goc-tre-duoc-bo-tri-cach-nhau-de-cay-du-duong-chat-va-khong-gian-phat-trien.jpg
Các gốc tre được bố trí cách nhau để cây đủ dưỡng chất và không gian phát triển
Sau khi hạ các hom tre, anh bắt đầu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khắp vườn. Chỉ cần một động tác cắm máy bơm, bật công tắc điện là hệ thống tưới tự động đủ sức tưới không sót một gốc nào. Một gốc tre đủ dưỡng chất và nước trong quá trình sinh sản sẽ cho những búp măng không chỉ mập mạp mà còn có độ mượt nhưng đủ giòn, vị bùi hơn những búp măng thiếu chất, mọc tự do.
Quy tắc bón phân hay tưới nước đều phải phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của tre. Ví dụ vào mùa nắng, phải đảm bảo đủ nước tưới cho tre. Mùa mưa là thời điểm người nông dân trồng tre lấy măng phải cắt cành, tỉa nhánh cho tre để tạo vườn thông thoáng. Bón phân cũng phải theo định kỳ chứ không thể bạ sao làm vậy, bón trước ươm hom đã đành, thu hoạch xong khoảng 2 tháng tiếp tục dùng phân chuồng bón gốc tre, 10 ngày sau bón phân thì rải diêm chống thối đất…
Rồi quá trình sinh trưởng và thu hoạch phải quan sát cây, khi thấy chồi măng nhú lên khỏi gốc tre là phải lấy rơm ủ lại để cây măng không bị côn trùng phá hoại. Măng đến độ thu hoạch cũng cần con người để mắt tới, thu hoạch non ngày thì năng suất giảm, nhưng chỉ trôi đi vài bữa, nếu gặp mưa, cây măng phát triển nhanh thì lại trở thành măng già, kén người mua. Thời gian kể từ lúc nhú đến thu hoạch tầm dăm sáu ngày, để tiện bỏ “mối” cho ra tấm ra món và phù hợp với lượng tiêu thụ, cứ 2 ngày anh Sốp cho thu hoạch một lần…
3.ong-nguyen-van-sop-thu-hoach-mang-trong-vuon.png
Anh Sốp thu hoạch măng trong vườn
Tùy vào mùa mà giá măng dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, trừ hết chi phí công sức phân gio, lợi nhuận từ trồng tre lấy măng mang lại cho anh từ 15 đến 20 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm, vườn trồng tre lấy măng sẽ cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi mục đích cây trồng, trồng cây thoát nghèo ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng anh Sốp không thoát nghèo đơn lẻ. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Khởi Nguyễn Đăng Koa, hiện trên địa bàn xã Cầu Khởi có hơn 20 hộ trồng tre lấy măng. Đây đang là một trong những mô hình thành công, đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đăng Khoa là cán bộ phụ trách trực tiếp công tác giảm nghèo của xã nên anh hiểu hơn ai hết những chặng đường mưu sinh khó khăn gian khổ của người dân Cầu Khởi. Xây đã khó, nhưng xây không thành công để phải phá bỏ cũng khó khăn không kém, ví như việc chặt bỏ một số cây dài ngày để chuyển sang trồng loại cây khác đủ sức chống chọi với thời tiết và cho lợi nhuận cao hơn cũng phải cân nhắc trong thế bền vững, chứ không chỉ vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đăng Khoa, xã cố gắng tuyên truyền cho dân hiểu để cây gì cần giữ phải giữ, cây gì cần mở rộng nên mở rộng. Thiếu đất thì xã cho thuê đất, thiếu vốn thì xã liên hệ, hỗ trợ thủ tục để vay vốn.
Và thực tế, hơn 20 hộ thực hiện mô hình trồng tre lấy măng để cải thiện kinh tế gia đình đã được Hội Nông dân, UBND xã Cầu Khởi hỗ trợ thủ tục để vay vốn ngay từ đầu.
Có thể nói, chương trình tín dụng chính sách ưu đãi và nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội huyện Dương Minh Châu như dòng nước được khơi thông, trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, tưới tắm những cánh đồng đói nghèo trên toàn huyện Dương Minh Châu và mảnh đất Cầu Khởi anh hùng, trở thành “điểm tựa” cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xây dựng kinh tế, trong đó có các hộ trồng tre.
Quan điểm nhất quán của huyện là vốn phải đến được đúng đối tượng, đồng vốn ưu đãi phải đạt hiệu quả cao. Nói là vậy, nhưng để đưa quan điểm đó trở thành thành quả thực tiễn, cán bộ ngân hàng chính sách xã hội huyện Dương Minh Châu đã phải vất vả tự tìm đến với dân, tìm hiểu và áp dụng các mô hình cho vay hiệu quả theo từng địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên địa phương triển khai ủy thác vay vốn để người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm về thời gian, công sức và đảm bảo an toàn nhất.
Với đồng vốn ấy, 6 năm qua, từ những hom tre đầu tiên, đến nay, “Mô hình trồng tre lấy măng” đã được Hội Nông dân xã Cầu Khởi nhân rộng, từ khoảng 2ha trồng thử nghiệm, đến nay, diện tích trồng tre đã đạt trên 21ha. Cùng với những vườn tre mướt xanh, niềm vui đã trở về trong ngôi nhà của nông dân Nguyễn Văn Sốp và nhiều gia đình trên các thôn làng Cầu Khởi. Biết thế nào là đủ là dừng chính là lựa chọn thông minh mà Nguyễn Văn Sốp lựa chọn. Anh bảo, “hiện mình chưa tính trồng thêm gì nữa, để xem đất đai ra sao, khí hậu thế nào. Mình đã qua những ngày đói nghèo rồi, mình muốn những người nông dân khác ở Cầu Khởi cũng thoát nghèo như mình. Mình sẽ chia sẻ cho bà con nào muốn học hỏi kinh nghiệm trồng tre lấy măng, mình đảm bảo là không giàu thì ít nhất cũng phải thoát được nghèo”.
Vì lẽ đó mà hai tháng trước, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, có nhiều mô hình thoát nghèo được nhắc đến, nhưng có lẽ, điều gây ấn tượng cho các đại biểu của Hội Nông dân huyện lại là mô hình trồng tre lấy măng. Bắt tay những người nông dân tần tảo thông minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu Trương Hữu Đức không giấu được xúc động, ông nói rằng bản thân ông phải cảm ơn lãnh đạo xã Cầu Khởi và các bí thư, trưởng ấp cùng 1.300 hội viên trên địa bàn xã đã chung tay chung ý chí, đoàn kết, nhường nhịn nhau, lắng nghe thời tiết để vượt lên hoàn cảnh. Tinh thần ấy đã góp phần đưa xã thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Về mô hình trồng tre lấy măng, ông chỉ bình một câu ngắn gọn: “Cái “cây đội đất” thoát nghèo thật tuyệt”.
Đúng là không có gì là không thể trên mảnh đất Tây Ninh nắng gió này”
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng "cây đội đất" thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO