Triệu Sơn (Thanh Hóa): Xưởng sản xuất hạt nhựa vẫn ngang nhiên tồn tại?

05/05/2019 20:57

(TN&MT) – Mặc dù, UBND huyện Triệu Sơn đã yêu cầu hộ gia đình ông Đoàn Lưu Bang tháo dỡ, di dời xưởng sản xuất hạt nhựa xây dựng trái phép trước ngày 14/04/2019. Thế nhưng, đến nay dù đã hết hạn tháo dỡ, các hạng mục của nhà xưởng vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí chủ xưởng còn xây dựng thêm công trình trên đất cho thuê trái thẩm quyền.

Liên quan đến việc Hợp tác xã khai thác chế biến đá Đồng Thắng (HTX đá Đồng Thắng) cho hộ ông Đoàn Lưu Bang thuê đất trái thẩm quyền để xây dựng xưởng sản xuất hạt nhựa, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 19/03/2019, ông Lê Xuân Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã có Công văn chỉ đạo yêu hộ ông Bang tháo dỡ các hạng mục sai phạm, cụ thể: Phần diện tích ông Đoàn Lưu Bang sử dụng để lắp đặt dây truyền chế biến hạt nhựa thuộc phạm vi khu vực đất đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho HTX khai thác chế biến đá Đồng Thắng thuê, để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến đá và khu tập kết nguyên liệu, khu chứa chất thải.
 

Mặc dù đã hết thời hạn tháo dỡ, nhưng xưởng sản xuất hạt nhựa của hộ ông Đoàn Lưu Bang vẫn ngang nhiên tồn tại
Mặc dù đã hết thời hạn tháo dỡ, nhưng xưởng sản xuất hạt nhựa của hộ ông Đoàn Lưu Bang vẫn ngang nhiên tồn tại

Việc ông Đoàn Lưu Bang thay đổi công nghệ sản xuất là không phù hợp với Quyết định thuê đất của UBND tỉnh, HTX đá Đồng Thắng là chủ sử dụng đất nhưng không nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong quá trình sử dụng đất của các xã viên. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Đoàn Lưu Bang và HTX đá Đồng Thắng.
 

Nhà ở công nhân được xây dựng thêm trên đất cho thuê trái thẩm quyền.
Nhà ở công nhân được xây dựng thêm trên đất cho thuê trái thẩm quyền.

Quyết định của UBND huyện Triệu Sơn, nêu rõ thời hạn tháo dỡ công trình vi phạm của hộ ông Bang cần thực hiện trước ngày 14/04/2019. Thế nhưng, đến nay dù đã hết hạn tháo dỡ, công trình trên vẫn ngang nhiên tồn tại và không có dấu hiệu tháo dỡ. Ngoài những hạng mục xây dựng trái phép như: Nhà xưởng 1 (280m²); Nhà xưởng 2 (84,5m²); Nhà xưởng 3 (286m²); Nhà ở (32m²); Nhà bảo vệ (12m²); Khu xử lý nước thải (305.6m²); dây truyền, máy móc sản xuất…không dừng lại ở đó, hiện nay chủ xưởng đang tiến hành xây dựng thêm nhà xưởng; khu nhà ở công nhân; nguyên liệu sản xuất được nhập thêm nằm chất đống khắp nơi.
 

Các hạng mục không có dấu hiệu của việc tháo dỡ, nguyên liệu sản xuất được nhập về chất thành đống.
Các hạng mục không có dấu hiệu của việc tháo dỡ, nguyên liệu sản xuất được nhập về chất thành đống.

Để làm rõ vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Tất Cầu, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, cho biết: Ngay sau khi hết thời hạn tháo dỡ, UBND xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra lập biên bản. Hiện tại, Hợp tác xã khai thác chế biến đá Đồng Thắng đang trình UBND tỉnh về việc xin điều chỉnh một phần diện tích được thuê để xây dựng xưởng sản xuất, chế biến hạt nhựa.

Khi PV đặt câu hỏi, mặc dù UBND xã đã tiến hành lập biển bản sai phạm nhiều lần, nhưng tại sao việc xử phạt đối với xưởng sản xuất trái phép của hộ ông Bang lại chưa thực hiện? Ông Cầu nói thêm: Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ ra Quyết định xử phạt theo đúng thẩm quyền của cấp xã.
 

Ngoài yêu cầu tháo dỡ công trình của UBND huyện Triệu Sơn, sai phạm của HTX đá Đồng Thắng và hộ ông Bang chỉ dừng lại ở biên bản làm việc.
Ngoài yêu cầu tháo dỡ công trình của UBND huyện Triệu Sơn, sai phạm của HTX đá Đồng Thắng và hộ ông Bang chỉ dừng lại ở biên bản làm việc.
Như vậy, việc hộ ông Đoàn Lưu Bang không chấp hành yêu cầu tháo dỡ của UBND huyện Triệu Sơn là rõ ràng, gây ảnh hưởng tới công tác quản lý đất đai của địa phương. Dư luận cho rằng, phải chăng đang có sự ưu ái đối với sai phạm trên? và cần phải làm rõ trách nhiệm của HTX đá Đồng Thắng trong việc cho thuê đất trái thẩm quyền. Đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn cùng các cơ quan chức năng sớm làm rõ sai phạm đang tồn tại và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu Sơn (Thanh Hóa): Xưởng sản xuất hạt nhựa vẫn ngang nhiên tồn tại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO