Cống hiến sức trẻ
Một chiều đầu xuân, chúng tôi tới xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Tiếp đón chúng tôi là Chủ tịch UBND xã còn rất trẻ Nguyễn Văn Hiếu. Trong giá rét còn sót lại của mùa đông nơi vùng núi đá, không gian căn phòng nhỏ tại trụ sở UBND xã như ấm áp hơn bởi cách trò chuyện cởi mở, chân tình và ánh mắt lúc nào cũng như biết cười của Chủ tịch sinh năm 1988.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sông Mã (Sơn La) anh hùng, Nguyễn Trung Hiếu lại chọn lập nghiệp ở tỉnh Cao Bằng. Được phân công về xã Kim Cúc, những ngày đầu đối với chàng thanh niên người Kinh mọi thứ đều mới mẻ, nhất là ngôn ngữ.
Chủ tịch Hiếu chia sẻ: Được đào tạo về văn hóa dân tộc, nhưng lại được phân công làm phó chủ tịch phụ trách kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo, cán bộ xã, Hiếu đã tranh thủ xuống các thôn, bản tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào, học tiếng địa phương và thường xuyên cùng các cán bộ xã họp bàn tìm hướng phát triển kinh tế. Với lĩnh vực phụ trách, Hiếu đã tận dụng các chương trình, dự án để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát huy thế mạnh, của xã...
Mỗi việc làm, mỗi vướng mắc được giải quyết đã giúp Hiếu hiểu ra và đúc kết được phương pháp, kinh nghiệm trong quá trình công tác. Hiếu nhận thấy, đối với đồng bào dân tộc vùng cao, rào cản lớn là bất đồng ngôn ngữ. Chính vì vậy, để truyền đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách hiệu quả phải bằng hình thức truyền khẩu, có minh chứng cụ thể để bà con hiểu và làm theo. Những việc làm xuất phát từ sự chân thành đã giúp Hiếu gần gũi với bà con và để đồng bào hiểu mình hơn.
Sau gần 5 năm công tác, tại kỳ họp bất thường của xã Kim Cúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 diễn ra vào tháng 9/2015, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Hiếu chính thức đảm nhận chức danh Chủ tịch UBND xã Kim Cúc.
Dựng xây quê hương
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Thông, huyện Thông Nông, Hoàng Minh Đức sau kỳ họp HĐND xã vào dịp cuối năm, đó là Chủ tịch người dân tộc Nùng còn trẻ tuổi nhưng chững chạc, thân mật và cởi mở khi trò chuyện.
Khi tham gia dự án, Hoàng Minh Đức được bố trí công tác ngay tại quê nhà. Đức chia sẻ: Dự án là cơ hội để tôi vận dụng kiến thức học được ở nhà vào thực tế giúp bà con vơi bớt khó khăn và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức đã vận dụng linh hoạt những kiến thức của một cử nhân kinh tế nông nghiệp vào lĩnh vực mình phụ trách. Trực tiếp đi xuống tận các thôn, xóm tìm hiểu những thuận lợi khó khăn trong lao động sản xuất của bà con, để cùng khắc phục, tháo gỡ. Thấy rằng cây thuốc lá có khả năng phát triển tốt ở địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, ngay từ khi thực tập tại xã, Đức đã bắt tay vào xây dựng Đề án “Trồng và phát triển cây thuốc lá nguyên liệu”. Nhờ đó, từ phương pháp canh tác truyền thống, manh mún, nho lẻ, không đầu tư phân bón, đến nay đã phát triển thành vùng nguyên liệu thuốc lá đạt năng suất cao. Với thu nhập từ 35 - 40 triệu/hộ/năm, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững. Tổng diện tích trồng đã tăng từ hơn 20 ha năm 2012 lên hơn 86 ha năm 2016, toàn xã có 8/25 xóm trồng cây thuốc lá.
Là người đứng đầu chính quyền ở cơ sở, Đức đang ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định nhằm giúp cho bà con Lương Thông có cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn. Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chủ tịch Hoàng Minh Đức đã cùng với Đảng ủy, chính quyền xã lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thế và các tầng lớp nhân dân trong xã thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những băn khoăn, chia sẻ của 2 chủ tịch xã trẻ Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Minh Đức cũng chính là “khẩu hiệu” chung của 44 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 5 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng.
Chặng đường 5 năm của Dự án chưa phải là dài trong hành trình của các tri thức trẻ khát khao khẳng định mình, cống hiến cho xã hội.