Vừa đấy mà đã qua mấy năm học sư phạm ngoài thành phố. Cả vùng rừng núi toàn bà con người Dao này ai cũng mừng vì sự trở về của cô gái chăm chỉ nhất bản. Lũ trẻ con sẽ có một tấm gương để soi vào mà phấn đấu, mà thoát đói nghèo, mà đi học hỏi cái hay cái đẹp mãi nơi xa. Nhà Lụ Mẩy mở tiệc chiêu đãi bà con trong bản. Điện sáng trưng, tiếng nói cười chúc mừng rổn rảng. Năm chị gái của Lụ Mẩy đã lấy chồng cũng đưa lũ trẻ con về. Các chị cứ xúm lại sờ má, sờ tóc rồi ngắm nghía cái áo tân thời may kiểu mới của Lụ Mẩy.
- Ôi da, cái mày phải mặc quần áo người Dao ta chứ. Cái này đẹp nhưng không quen - Chị cả Tả Mẩy nói vậy. Lụ Mẩy cười rất tươi rồi bảo: Em vẫn là người Dao mà, nhưng em mặc như thế này để lên lớp đấy. Nay em mặc cho mọi người nhìn xem có ưng không. Mọi người đổ dồn ánh nhìn vào cô giáo trẻ.
Bố Lụ Mẩy vui lắm, nay ông mang về nhà một vị khách đặc biệt - một chàng trai ăn mặc bụi bặm, dáng vẻ phong trần, da ngăm đen, chừng ngoài ba mươi tuổi. Bố giới thiệu anh là kỹ sư địa chất thực tập đi đo đạc thăm dò vùng Cảo Vài này xem có thể đặt nhà máy gì đó không. Mấy năm gần đây, những người hám lợi đã đào hầm trong núi, khai thác than thổ phỉ làm tan hoang mấy khoảnh rừng. Mùa mưa, lũ đã to hơn, hung dữ hơn những năm trước nhiều. Bà con đã làm đơn kiến nghị lên cấp trên lâu rồi mà chưa thấy có chuyển biến gì. Bố Lụ Mẩy làm công tác Mặt trận xã cũng đau đầu lo lắng ngày đêm. Tuần nay, có cậu kỹ sư về bản, ở nhờ nhà bà con để đi đo đạc, khảo sát vùng Cảo Vài để cho Nhà nước xây cái dự án gì đó. Có hôm cậu ta mặc quần áo lao động đi xúc đá thuê trong mỏ than thổ phỉ tối mới về. “Làm thuê để có tiền ăn” - cậu ta nói vậy khi chuyến đi khảo sát này là tự nguyện không lương. Kể cũng tài, cậu ta làm quen được với đám đào than trộm, chỉ cần người lạ hay cán bộ đến là các chủ mỏ đã tìm cách đối phó, chạy trốn hoặc gây sự. Thấy bảo, cậu kỹ sư mời bọn chúng loại thuốc lá gì đó hảo hạng lắm, vùng này chưa bao giờ có. Vả lại, bọn chúng cũng sờ nắn khắp người cậu rồi, chẳng có gì khả nghi, đến làm thuê với bộ quần áo cũ, xong ngay, nhận luôn. Cái cữ đi lang thang đo đạc rừng núi thân cô thế cô thì đủ biết, chả làm gì ra hồn.
- Đây là Lụ Mẩy con gái út của tôi, mới được về quê làm cô giáo đấy - Bố Lụ Mẩy chỉ vào con gái. Rồi ông chỉ vào chàng trai: - Đây là Hoàng Dũng - kỹ sư địa chất về bản ta tháng nay rồi con ạ, nó ở bên nhà cụ Phẩm. Lụ Mẩy e thẹn bắt tay người thanh niên làm quen. Nụ cười trắng lóa của anh chàng làm Mẩy bối rối. Người đâu kỳ lạ, gặp người ta lần đầu mà nhìn ghê thế.
Mùa thu đã tràn đến đỉnh Cảo Vài. Những cây phong bắt đầu lá đỏ, nắng cũng vàng hơn. Lụ Mẩy ngày ngày đạp xe 5 cây đường núi lên lớp dạy học. Trường Mẩy nằm trên lưng chừng núi, quanh năm gió thổi mây bay. Lụ Mẩy vui đấy rồi buồn đấy, trường lớp còn tuyềnh toàng thiếu thốn đủ thứ, lũ trẻ đến lớp chưa đều, có em đã vào học một tuần mà chưa có sách bút, chân vẫn chưa có dép.
Trưa nay, Lụ Mẩy sẽ tìm gặp anh Hoàng Dũng để nhờ anh giúp cho mấy việc. Kể từ bữa cơm nhà Lụ Mẩy, thi thoảng Dũng đến nhà chơi nên hai người đã trở thành bạn. Hôm trước anh đã theo Lụ Mẩy đến trường, tìm ván gỗ sửa lại lớp học bàn ghế cho các em. Đợt này anh về quê đã vài hôm.
Lụ Mẩy thu xếp sách vở rồi nghỉ trưa ở phòng tập thể trên trường. Các giáo viên trẻ đùa tán nhau khá rôm rả. Đa phần là thầy cô dưới xuôi, chỉ có vài người là của vùng núi này. “Lụ Mẩy mà lấy chồng về xuôi thì bản mất cô giáo đấy nhỉ - các chị đùa. Mẩy vuốt tóc cười: “không đâu, em lấy ai sẽ bắt họ ở rể chứ không về xuôi đâu, bỏ bọn trẻ con à”. Nói vậy, Lụ Mẩy lại nghĩ đến Hoàng Dũng, hình như trong sâu xa, trái tim cô đã nhen nhóm lên nỗi nhớ thương rất mơ hồ với anh. Bữa nọ, anh tạt qua trường, cho Mẩy tập thơ tình, nhờ Mẩy cất cho anh mấy thứ. Anh dặn Mẩy những thứ anh gửi là vô cùng quan trọng, là tính mạng anh nên Mẩy hãy cất cẩn thận. Hôm nhận cái hộp Mẩy trả lại, anh xuôi về quê ngay, Mẩy tò mò nhìn thì thấy hình như có cái máy gì nhỏ xíu. Anh đã ngồi bên Mẩy hỏi: “Sao em có tên là Lụ Mẩy?”. Lụ Mẩy bối rối : “Dạ, người Dao em con gái ai cũng là Mẩy hết, em là Lụ Mẩy nghĩa là con gái thứ 6 của bố mẹ em, Tả Mẩy là chị cả”. Rồi Mẩy kể cho anh nghe về tuổi thơ, về những năm tháng mà các chị nhường cho Lụ Mẩy đi học. Anh ngồi trầm tư rồi bảo: “Mai này, em có muốn về thành phố không?”. Mẩy không trả lời, ném cho anh cái khăn vấn tóc rồi chạy lên đỉnh Cảo Vài đầy gió. Anh chạy theo, hai người đứng đó ngắm cả một vùng mênh mông đang chìm trong sắc thu. Quê hương Mẩy đẹp và thanh bình, chỉ cần các em nhỏ được học hành tử tế, mai này vùng Cảo Vài sẽ khác. Mẩy say mê nói về hoài bão, sẽ xây một trường học rộng lớn trên đỉnh núi này cho trẻ con cả vùng đến học; sẽ có một cái trạm y tế to đẹp cho bà con đến khám bệnh…Anh gật gù rồi ghi ghi chép chép gì đó. Anh bảo, ghi lại không lời Mẩy bay lên trời mất. Vậy Mẩy cũng quên béng đi, cái khăn thêu hoa đội đầu của mình anh vẫn cầm chưa trả…
- Cộc…cộc…cộc… Có tiếng gõ cửa. Lụ Mẩy đang mơ màng tỉnh giấc. Ôi chao, quá bất ngờ, anh Hoàng Dũng khoác ba lô đứng ngay cửa phòng. Lụ Mẩy đỏ bừng hai má, líu ríu: Anh lên tận đây à, em cũng định đi tìm anh. Hoàng Dũng chỉ tay xuống chân núi: Kia kìa, xe ô tô của bạn anh, mang sách vở, đồ dùng học tập đến tặng cho học sinh của em đấy. Lát nữa nghỉ trưa xong họ lên. Nhớ em quá nên anh trốn lên trước. Vừa nói, Hoàng Dũng vừa ghé sát môi vào má Lụ Mẩy. Có gì đó thật dịu nhẹ, yêu thương chen vào giữa hai người. Sợi dây tình yêu đã bắt đầu buộc lấy trái tim họ.
“Anh chiều nay về xuôi luôn, vài hôm nữa anh lên. Em sẽ vô cùng bất ngờ vì những điều mới mẻ đấy”- Hoàng Dũng vừa nói vừa thoăn thoắt giở ba lô. Đây là sách cho Lụ Mẩy, đây là kẹo bánh quà cho các thầy cô, đây là một cái hộp nhạc tặng riêng cho Mẩy. Hoàng Dũng đưa cho Lụ Mẩy một phong bì rất đẹp. “Đây là giấy mời, anh mời em, em nhớ sắp xếp đi nhé, về thành phố anh đón”.
Lụ Mẩy mở ra xem. Gì thế này? Vinh danh các nhà báo có giải thưởng quốc gia tại Nhà hát lớn Hà Nội ư? Vậy là sao? Mẩy có liên quan gì đâu… Vậy lâu nay, anh không phải là kỹ sư địa chất sao?... Lụ Mẩy chợt nghĩ đến cái máy gì nhỏ xíu mình đã cất, và cuộc lùng sục của đám thợ mỏ than tìm anh khắp bản hôm nào. Nếu thế, anh đã quá hiểm nguy, đã vào hang cọp còn gì, không biết cha Mẩy có biết không. Lụ Mẩy bỗng run rẩy ôm chầm lấy Hoàng Dũng khóc, rồi hỏi: Vậy anh là nhà báo phải không? Hoàng Dũng ôm chặt Mẩy, vỗ vỗ vào vai: “Ừ, thôi nào, có gì mà khóc, anh an toàn rồi. Lát em tiếp đón mọi người, anh qua chào bố em và cụ Phẩm rồi về xuôi, xe ôm anh gọi ngoài thị trấn, họ đến kia kìa. Nếu không có bố con em chắc anh không hoàn thành nhiệm vụ”. Lụ Mẩy nhìn bóng Hoàng Dũng xuôi theo xe máy xuống dốc núi mà lòng vẫn bàng hoàng.
Chiều ấy, trường tiểu học của Lụ Mẩy như có hội, các thầy cô và học sinh vui tíu tít khi nhận được cả một xe ô tô sách vở, bàn ghế, bảng viết, có cả một cái ti vi to đặt ở hội trường cho mọi người xem phim ngoại khóa. Dân bản thì tụ tập ở nhà cha Lụ Mẩy bàn tán rôm rả. Mọi người thi nhau chuyền tay những tờ báo. Thì ra, sau những ngày lăn lộn vào vai kỹ sư địa chất, làm thuê cho mỏ than, Hoàng Dũng đã viết hàng loạt bài phóng sự điều tra về nạn phá rừng, khai thác than trái phép ở Cảo Vài, rồi cả những bài báo nói rằng cần phải đầu tư xây trường học mới cho vùng núi này, cần đầu tư cho đời sống bà con thêm ấm no về nhiều mặt… Mọi người đến nhà Lụ Mẩy ngày một đông, ai cũng bày tỏ niềm vui, sự ngạc nhiên. Nhờ nhà báo Hoàng Dũng mà đám phá rừng đào trộm than bị xử lý, bà con ai cũng xuýt xoa. Bố Lụ Mẩy nói với con gái một thôi một hồi cứ như sợ bị ngắt lời: “Tao vừa mới biết chuyện nó là nhà báo vài hôm trước, hóa ra anh xe ôm vẫn đưa đón nó là đồng chí công an huyện, còn mấy cái anh mà cứ giả vờ buôn buôn bán bán nọ kia, là cái anh của tài nguyên môi trường tận trên bộ trên sở, đóng giả để hợp tác với thằng Hoàng Dũng. Còn cái thằng Hoàng Dũng tên thật là Trần Ngọc con ạ, nó muốn làm con rể tao đấy, con gái xem ưng không?”. Mẩy lườm bố rồi khoe tờ giấy Hoàng Dũng đưa. Ngày mai, Mẩy sẽ nhờ bố đưa ra thị trấn rồi bắt xe xuôi về Hà Nội
Buổi tối diễn ra Lễ vinh danh ở Nhà hát lớn, Lụ Mẩy xúc động rơi nước mắt khi nhà báo Trần Ngọc kể về cô giáo người Dao đã cất giấu bảo vệ toàn bộ chứng cứ trong suốt quá trình điều tra của anh. Ở bản Cảo Vài, một sân người chen chúc ngồi trước màn hình ti vi to của nhà trường xem truyền hình trực tiếp. Cụ Phẩm vừa nhìn thấy Hoàng Dũng dắt tay Lụ Mẩy lên sân khấu đã nói: “Đôi này có tướng phu thê đấy, rồi cả bản sẽ có cỗ thôi. Tôi đã ngờ đúng mà, đêm nào thằng Hoàng Dũng cũng bật cái đèn điện thoại lên, rúc trong xó giường ghi chép, tẩy xóa. Tôi nghĩ việc nó làm quan trọng hơn đo đất nhiều. Đúng là nhà báo giỏi có khác”.
Bố Lụ Mẩy thì cho rằng Hoàng Dũng có năng khiếu đóng phim, vào vai làm thuê như thật. Ông và cả bản Cảo Vài bỗng sững người lại rồi kêu lên vui sướng, pháo tay không dứt khi trong ti vi nói rằng, Cảo Vài sẽ có trường học mới, trạm y tế mới vào thời gian tới.
Ngoài kia, mùa thu loang trong đêm Cảo Vài thứ mùi thơm thuần khiết, dễ chịu. Mùi hoa bạc hà xứ núi. Lụ Mẩy và Hoàng Dũng là hai bông bạc hà đẹp nhất.