GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) trao phần thưởng hướng nghiệp cho sinh viên khối Khoa học Trái đất |
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, hiện nay, tất cả các lĩnh vực trong đời sống đều cần kỹ thuật, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Các bài toán trong lĩnh vực khoa học Trái đất, đặc biệt là khí tượng thủy văn đều cần công cụ tính toán. Hiện, trường Đại học Khoa học Tự nhiên không chỉ triển khai đào tạo trong lĩnh vực Khoa học Trái đất mà còn liên quan nhiều đến công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo…
Gần đây, khi những hiện tượng thiên tai ở miền Trung xảy ra liên tiếp, người ta nói nhiều đến các sản phẩm công nghệ để làm sao có thể cảnh báo người dân, các cơ quan. Để giải quyết được những bài toán này, cần rất nhiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực khoa học Trái đất và khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu khai mạc Hội nghị |
Đồng tình với những nhận định của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, người đứng đầu ngành Khí tượng thủy văn khẳng định, cả hiện tại và trong tương lai, từ mạng lưới quan trắc, thông tin dữ liệu cho đến công nghệ dự báo chúng ta không thể thiếu công nghệ tự động, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, big Data…
Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, trước đây, việc hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với Tổng cục Khí tượng thủy văn đã được triển khai rất mạnh liên quan đến các đề tài, dự án, sinh viên đi thực tập. Bài nói chuyện của GS.TS Trần Hồng Thái ngày hôm nay rất bổ ích, sẽ giúp cho sinh viên mở mang sự hiểu biết và có thêm niềm tin vào tương lai.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV có bài nói chuyện với sinh viên |
Mở đầu bài nói chuyện, GS.TS Trần Hồng Thái cho biết, Ngành KTTV ra đời và phát triển cùng với sự tiến hóa của xã hội, có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ các hoạt động đời sống, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và môi trường của con người.
Ngày nay, hoạt động khí tượng thủy văn có vai trò hết sức quan trọng. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn là “cơ sở dữ liệu đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội; phục vụ công tác quản lý, điều hành chính sách, lập chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, nhân loại đang đứng trước những cơ hội lớn do sự phát triển mạnh mẽ của KHCN và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng cũng phải đối mặt với các thách thức lớn từ bùng nổ dân số, suy thoái và cạn kiệt của các nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, tác động khốc liệt của thiên tai, tai biến và biến đổi khí hậu (BĐKH) và các tác động bất hợp lý của con người lên môi trường tự nhiên ngày càng trầm trọng.
Đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn đó, nhân loại đã nhận ra rằng, muốn tiếp tục duy trì bền vững một cuộc sống tốt đẹp trên hành tinh Trái Đất, chúng ta hơn bao giờ hết cần phải đồng thuận thực hiện 17mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của Liên hợp quốc và ứng phó với BĐKH.
Lãnh đạo Tổng cục KTTV trao đổi với sinh viên Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Bài nói chuyện của GS.TS Trần Hồng Thái tập trung vào những cơ hội và thách thức của ngành KTTV hiện nay và trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vai trò của KTTV đối với các ngành, lĩnh vực, những thách thức đối với ngành về cung cấp thông tin KTTV để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay. Đồng thời, giới thiệu những định hướng lớn của ngành KTTV, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành trong 10 năm tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh, Tổng cục KTTV nhất quán quan điểm, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa thành công của sự nghiệp hiện đại hóa và tự động hóa ngành KTTV. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tại các cơ sở đào tạo có uy tín; tăng cường đào tạo theo cả hai hướng “ứng dụng và nghiên cứu”. Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức đào tạo cũng như chương trình đào tạo; tăng cường đào tạo lại và đào tạo chuyển giao công nghệ mới.
“Chúng tôi mong rằng, trog thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ tiếp nhận được nhiều hơn nữa các sinh viên tốt nghiệp từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên ở các cấp độ khác nhau để đóng góp cho ngành ngày càng phát triển”, GS.TS Trần Hồng Thái kỳ vọng.