Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trao giải Nhất cho nhóm tác giả Phan Thanh Phương, Dương Minh Hằng, Cao Quang Toàn, Nguyễn Minh Cường, Đào Văn Nguyên, Đài truyền hình Việt Nam |
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khẳng định: Trong công tác bảo vệ môi trường, các cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò rất quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Tuy nhiên, các nhà báo về môi trường đang phải đứng trước rất nhiều thách thức như áp lực thương mại của báo chí, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường.
Ngoài ra, môi trường tác nghiệp của báo chí đối với ô nhiễm nhựa đại dương lại càng khó khăn do việc tiếp cận thực địa quá rộng, không phản ánh hết được thực trạng ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường biển và con người. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19, đội ngũ phóng viên báo chí đã có những ngày tháng lao động đầy thách thức.
"Chính vì vậy, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” là sự ghi nhận, tôn vinh những thành tựu, đóng góp của báo chí, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói riêng. Giải thưởng cũng là nơi ươm mầm cho những giải pháp chính sách, mô hình sáng tạo về bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước", ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Các tác giả đoạt giải Nhì của cuộc thi |
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Giải báo chí về “Ô nhiễm nhựa đại dương” một lần nữa khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và của chính đồng nghiệp đối với các nhà báo môi trường.
Đây chính là nguồn động lực cổ vũ để phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường biển và giảm thải rác thải nhựa đại dương.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó, đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, mới đây nhất, ngày 18/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Để chuẩn bị tích cực cho việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu này, cần sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.
"Và do đó, tôi mong rằng, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” cần được tiếp tục duy trì và mở rộng với sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm thải rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT tiếp tục ủng hộ việc tổ chức Giải báo chí này trong những năm tiếp theo và đề nghị tiếp tục tổ chức Giải dưới hình thức thường niên, chuyên sâu hơn nữa về vấn để rác thải nhựa đại dương cũng như mở rộng thêm các cơ cấu giải để tạo được sân chơi lớn hơn nữa, tăng tính cạnh tranh và chuyên sâu qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, động viên khuyến khích đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo dõi lĩnh vực môi trường thật tốt về bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, sâu sát với cơ sở, nhân dân; để có thêm thật nhiều các tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ đến với công chúng", ông Lâm chia sẻ.
Các tác giả nhận giải Ba của cuộc thi |
Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” do Báo điện tử VTC News phối hợp với Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam, UNDP-Việt Nam, WWF Việt Nam tổ chức.
Đây là hoạt động nhằm ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương. Qua đó, phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm nhựa đại dương, cải thiện chất lượng, hình thức các sản phẩm báo chí, truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa.
Dù là năm đầu tiên Giải được tổ chức, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chất lượng các tác phẩm dự thi có chất lượng nội dung tốt, chủ đề phong phú, đa dạng, phản ánh được thực trạng ô nhiễm nhựa đại dương và đưa ra các giải pháp để cải thiện.
Sau gần 2 tháng phát động, BTC đã nhận được hàng trăm tác phẩm từ 64 cơ quan báo chí, đơn vị, cá nhân trong cả nước, 206 tác phẩm đáp ứng điều kiện thể lệ cuộc thi đã được lựa chọn vào vòng sơ khảo.
Nhiều tác phẩm được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, E-magazine, bài viết kèm các phóng sự truyền hình hấp dẫn… Một số tác phẩm đã thể hiện được sự dấn thân của tác giả để có những thước phim, hình ảnh ấn tượng, thông tin độc đáo.
Đặc biệt, tham dự giải có nhiều đơn vị báo chí đến từ những địa phương miền núi như Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang… nhiều tác phẩm của các tác giả tự do, trong đó, có 21 bài dự thi của giáo viên, học sinh của Trường THCS Phú Thọ tỉnh An Giang, cho thấy tính tác động của Giải tới nhiều người, nhiều đơn vị và ngành nghề.
Qua 2 vòng chấm thi sơ khảo và chung khảo, Ban giám khảo đã thống nhất chọn ra 13 tác phẩm xứng đáng nhất theo các tiêu chí về nội dung, chủ đề và hình thức để trao giải.